Nha khoa tổng quát

"Sát thủ" của răng miệng

nha-khoa-hut-thuoc-la-rang-miengVới những độc chất như nicotin, monoxyd de carbon và acid cyanhydrid có trong thuốc lá được coi là "sát thủ" đối với bệnh răng miệng, đặc biệt là bệnh nha chu và implant nha khoa. Mặc dù cơ chế gây bệnh của thuốc lá đến các tổ chức này còn chưa được chứng minh rõ ràng nhưng hầu hết các nghiên cứu đều chỉ ra rằng thuốc lá có hại cho tổ chức nha chu và các implant nha khoa.


Thuốc lá gây bệnh răng miệng và làm giảm kết quả điều trị

Gây nên các bệnh viêm quanh răng: Trong thuốc lá có 3 thành phần chính ảnh hưởng đến khoang miệng là: nicotin, monoxyd de carbon và acid cyanhydrid. Các thành phần này có các tác dụng: co mạch ngoại vi, chậm liền thương, rối loạn chức năng các tế bào đa nhân trung tính, giảm đáp ứng miễn dịch, giảm nồng độ oxygen trong mô, mất thăng bằng hệ vi khuẩn miệng, giảm lưu lượng máu trong xương ổ răng, giảm chất lượng xương, giảm nồng độ kháng thể trong nước bọt và máu...

Hầu hết các nghiên cứu đều cho rằng thuốc lá là yếu tố nguy cơ cao cho bệnh viêm quanh răng. Người hút thuốc lá nhiều thường có đáp ứng miễn dịch kém, ít kháng thể trong máu. Hút thuốc lá nhiều có thể gây co lợi, mất bám dính, tiêu xương và cuối cùng là mất răng.

Điều trị các bệnh răng miệng kém hiệu quả:

Thuốc lá dường như không ảnh hưởng trực tiếp lên hệ thống vi khuẩn nha chu mà ảnh hưởng đến sự đáp ứng miễn dịch của cơ thể. Thuốc lá có thể làm giảm các yếu tố kháng thể như IgG, IgA, IgM. Thuốc lá có khả năng làm tổn thương chức năng của các bạch cầu đa nhân trung tính, các cytokin.

Các nicotin trong thuốc lá có thể được tích trữ và giải phóng ra bởi các nguyên bào tạo xơ và ức chế sự tăng trưởng của các nguyên bào tạo xơ lợi, do vậy ảnh hưởng đến khả năng liền sẹo của tổ chức quanh răng, kết quả điều trị viêm quanh răng cũng kém hơn ở những bệnh nhân có hút thuốc lá.

Việc làm giảm độ sâu túi lợi, tái tạo lại bám dính lợi ở các bệnh nhân viêm quanh răng có hút thuốc lá là rất khó khăn. Ngoài ra nếu ngà bị hở, bề mặt chân răng không đều, nicotin có thể thấm sâu vào bên trong đến tủy răng, do vậy làm nhẵn bề mặt chân răng là hết sức cần thiết đối với các bệnh nhân hút thuốc lá.

Thuốc lá là một chống chỉ định tương đối đối với cấy ghép implant

Cấu tạo răng bình thường bao gồm phần thân răng, là phần bạn có thể thấy được trên nướu và phần chân răng, là phần nằm sâu trong xương hàm giúp giữ răng vững chắc. Khi bị mất răng do nguyên nhân nào đó, cấy ghép implant sẽ giúp phục hình hoàn toàn răng bị mất giống như răng thật bao gồm cả thân răng và chân răng mà không ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên, nếu bạn hút thuốc lá thì đều ảnh hưởng đến chất lượng cấy ghép cũng như thời gian bảo tồn implant.

denta-limplant-nha-khoa


Implant nha khoa được chống chỉ định tương đối với người hút thuốc lá.

Trên lâm sàng, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng tỷ lệ thất bại implant ở nhóm bệnh nhân có hút thuốc lá cao hơn nhóm bệnh nhân không hút thuốc lá.

Đáp ứng của mô ở người hút thuốc lá thay đổi xấu theo số lượng thuốc lá tiêu thụ. Các giả thuyết cho rằng do tổn thương chuyển hóa xương và quá trình liền sẹo. Tác nhân chính gây ra hậu quả này là nicotin có trong thuốc lá. Hiện tượng này là hiện tượng có khả năng hồi phục và biến mất nếu ngừng tiêu thụ thuốc lá. Nhiều nghiên cứu thấy rằng các bệnh nhân hút thuốc lá thì sau phẫu thuật hay bị đau nhiều hơn. Quá trình liền sẹo rõ ràng được cải thiện sau khi ngừng hút thuốc lá.

Ở các bệnh nhân hút thuốc lá, khi cắm ghép implant nếu phải ghép thêm xương thì có nguy cơ thất bại cao hơn. Do vậy việc ngừng hoàn toàn hút thuốc lá 1 tuần trước khi can thiệp và 8 tuần sau khi cấy ghép là điều rất cần thiết cho bất kỳ một bệnh nhân nào được cấy ghép implant. Trong trường hợp không thể bỏ được thuốc lá thì hãy ghi nhớ rằng, nghiện thuốc lá cũng là một chống chỉ định tương đối của cấy ghép implant nha khoa.

Bệnh răng miệng khó điều trị ở người hút thuốc lá.

Người hút thuốc lá có nguy cơ mắc bệnh viêm quanh răng cao do dễ tích tụ mảng bám vi khuẩn, cao răng và phá hủy mô. Tình trạng cao răng, mảng bám răng nhiều hay ít còn phụ thuộc vào thói quen vệ sinh răng miệng. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng nhóm người hút thuốc lá có bệnh viêm quanh răng nặng hơn, tiêu xương viền, mất bám dính nhiều hơn, tổn thương lan rộng xuống vùng chân răng nhiều hơn. Tác dụng của thuốc lá lên mô nha chu là gián tiếp.

ThS. Võ Trương Như Ngọc
( Sức khỏe & đời sống )