Nha khoa trẻ em

Bệnh răng miệng ở tuổi học đường


Cùng với quá trình phát triển và hoàn thiện các cơ quan, chức năng khác của cơ thể, tuổi học đường cũng là thời gian cho trẻ hoàn thiện hàm răng của mình. Nhưng cũng chính trong thời gian này, có rất nhiều nguy cơ làm phát sinh những bệnh răng miệng ở trẻ, tuy nhiên các bệnh này đều có thể phòng tránh được nếu chúng ta hướng dẫn cho trẻ biết cách chăm sóc và bảo vệ.
1.Những bệnh răng miệng thường gặp ở tuổi học đường


  • Cho đến nay, bệnh răng miệng hay gặp nhất ở tuổi học đường là bệnh sâu răng sữa và viêm lợi(viêm nướu). Sâu răng sữa xuất hiện ở trẻ chưa hoặc bắt đầu thay sang răng vĩnh viễn, đây là lứa tuổi bắt đầu đến trường (lớp 1).
  • Tình trạng sâu răng sữa cũng có thể xuất hiện trước khi trẻ đến trường với biểu hiện nhiều răng bị "sún". Khi chưa thay răng, răng sữa của trẻ thường chỉ có 20 chiếc.
  • Đặc điểm của răng sữa là kết cấu không bền vững, mềm và dễ bị tác động của vi khuẩn trong miệng, do vậy răng sữa rất hay bị sâu. Nếu không được điều trị tốt, răng sữa bị sâu sẽ lây lan nhanh sang các răng lành khác và là điều kiện thuận lợi làm cho các răng vĩnh viễn mọc sau đó tiếp tục mắc phải căn bệnh này.
  • Khi mới bắt đầu sâu, cũng như sâu răng ở người lớn, trên răng sữa của trẻ xuất hiện những đốm màu sậm như cà phê rồi trở nên đen. Các vết đen này ngày một ăn sâu vào trong thân răng làm mòn răng gây đau nhức, khó nhai, thậm chí là sốt, ảnh hưởng đến sự phát triển của xương quai hàm và viêm tủy xương hàm ở trẻ.
  • Đi cùng với bệnh sâu răng sữa là tình trạng viêm lợi. Đây là 2 bệnh có quan hệ với nhau.
  • Khi lợi bị viêm sẽ đỏ và sưng tấy, dễ chảy máu, miệng có mùi hôi.
  • Vì lợi bị đau nên nhiều trẻ không chịu đánh răng thường xuyên làm cho tình trạng viêm tiếp tục nặng hơn và tạo điều kiện cho sâu răng phát triển, nếu đã có sâu răng rồi thì càng nặng hơn.
  • Viêm lợi còn là giai đoạn đầu của quá trình viêm quanh răng(bệnh nha chu), khi bệnh đã nặng thì lợi sẽ không còn bám chắc vào răng nữa mà hình thành các túi lợi, các dây chằng của răng và xương bị vi khuẩn xâm nhập, phá hủy. Trong các túi lợi chứa đầy mảng bám cao răng và vi khuẩn. Quá trình này diễn ra lâu và không được điều trị sẽ làm lung lay và rụng răng
  • Bên cạnh đó thì tình trạng thay răng không được chăm sóc tốt, sâu răng, răng bị "sún" làm cho nhiều trẻ có hàm răng vĩnh viễn mọc lệch lạc, ảnh hưởng đến thẩm mỹ và còn là điều kiện cho mảng bám, vi khuẩn phát triển ở những chỗ răng mọc chen chúc, răng mọc lệch khiến quá trình đánh răng không làm sạch được, sẽ gây ra các bệnh răng miệng sau này.
2.Nguyên nhân dẫn đến các căn bệnh này
  • Có nhiều trẻ sinh ra kết cấu răng không đủ vững chắc do trong quá trình mang thai, người mẹ không được cung cấp đầy đủ các dưỡng chất có lợi cho răng.
  • Vì thế khi sinh nở không chỉ chất lượng hàm răng của người mẹ bị giảm sút mà chất lượng răng của trẻ cũng bị ảnh hưởng, làm cho răng của trẻ dễ bị vi khuẩn tấn công gây sâu răng.
  • Nguyên nhân chính dẫn đến sâu răng và viêm lợi là vệ sinh răng miệng không sạch và không thường xuyên.
  • Trong quá trình ăn uống, các mảng thức ăn dính lại trên các kẽ răng nếu không được làm sạch sẽ lên men và tạo điều kiện cho các vi khuẩn có trong vòm miệng phát triển tấn công răng và lợi.
  • Các em học sinh là lứa tuổi rất hay ăn quà vặt, các loại bánh kẹo, đồ ăn sẵn chứa nhiều đường, tinh bột. Hầu hết khi ăn các loại thức ăn này răng miệng các em đều không được làm sạch ngay, các mảng thức ăn còn sót lại trên răng lên men trở thành mảnh đất màu mỡ cho vi khuẩn răng miệng phát triển.
  • Hầu hết trẻ không có thói quen kiểm tra tình trạng răng của mình, chỉ đến khi đau, sưng, chảy máu trẻ mới báo cho cha mẹ biết, lúc đó thường là răng đã sâu nhiều, lợi đã viêm nặng.
  • Trong thời gian thay răng, nhiều trẻ có thói quen lung lay răng sữa bất kể khi nào, thậm chí kể cả khi đang chơi. Tay trẻ không sạch khi đưa vào miệng để lung lay răng đã vô tình đưa vi khuẩn vào miệng, chỗ răng bị lung lay đang bị tổn thương ít nhiều trở thành yếu tố thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập và gây viêm sưng lợi cũng như các vị trí khác trong khoang miệng.
3.Cần cho trẻ hiểu lợi ích của bảo vệ sức khỏe răng miệng
  • Muốn trẻ có hàm răng đẹp, trẻ phải được chăm sóc ngay từ khi mang thai, đó là cần thực hiện chế độ dinh dưỡng thai nhi tốt, đầy đủ chất cần thiết cho sự phát triển hàm răng đẹp, khỏe của trẻ sau này như canxi, các loại vitamin có trong thức ăn. Trong thời kỳ trẻ thay răng sữa sang răng vĩnh viễn cũng cần bổ sung các chất cần thiết đó cho trẻ.
  • Các bậc cha mẹ nên hướng dẫn cho trẻ đánh răng thường xuyên, nguyên tắc tốt nhất là ăn bao nhiêu bữa thì đánh răng bấy nhiêu lần. Hạn chế không cho trẻ ăn quà vặt, nhất là đồ ăn sẵn, các thức ăn đường phố không hợp vệ sinh.
  • Khi trẻ thay răng không nên để trẻ tự nhổ hoặc nhổ răng tại nhà cho trẻ, tránh nhiễm khuẩn và chảy máu nặng mà cần đến các phòng khám nha khoa. Cần cho trẻ đi khám răng miệng 6 tháng/lần để kịp thời phát hiện các dấu hiệu sớm của các bệnh răng miệng.
  • Đối với những trẻ có răng mọc lệch lạc, cần đợi cho trẻ mọc đủ răng vĩnh viễn mới xem xét đến việc dùng các dụng cụ nắn chỉnh răng hợp lý. Trong quá trình học tập, vui chơi tại trường, các thầy cô giáo nhắc nhở trẻ cẩn thận khi vui đùa tránh những tai nạn gãy răng xảy ra, nhất là gãy răng đã thay sẽ ảnh hưởng đến thẩm mỹ và khả năng phát âm, nhai nghiền của trẻ. Việc dùng răng giả thay cho răng vĩnh viễn bị gãy ở trẻ rất tốn kém và mất thời gian do phải đợi cổ chân răng của trẻ phát triển hoàn chỉnh.
Nguồn: Báo Sức khỏe & Đời sống