Bệnh liên quan vùng miệng

Thuốc trị đau dây thần kinh sinh ba


dau-day-than-kinh-sinh-ba-dieu-triĐau nửa đầu và nửa mặt là một bệnh hay gặp trong các phòng khám bệnh đa khoa nói chung và phòng khám thần kinh nói riêng. Tuy nhiên, nhiều trường hợp có cùng một bệnh cảnh đau như vậy nhưng căn nguyên hoàn toàn khác nhau, do đó việc điều trị cũng có những đặc thù riêng cho từng cơ chế bệnh.

Vì sao mắc bệnh?

  • Đau dây thần kinh sinh ba (dây thần kinh số V) là một rối loạn mạnh mẽ nhất của chức năng dây V, biểu hiện từng cơn đau dữ dội ở môi, lợi, mắt, cằm. Qua quá trình nghiên cứu và điều trị, người ta nhận thấy có thể có sự chèn ép cơ học rất kín đáo trên dây thần kinh hay ở hạch Gasser gây đau dây V; có sự mất myelin ở rễ cảm giác gần hạch Gasser;
  • do sự phóng lực đột xuất kiểu động kinh từ các neuron nhận cảm giác vùng hành não và tủy sống cổ của dây thần kinh số V; tổn thương dây V phối hợp với viêm xoang hoặc răng cùng bên, sau sang chấn sọ gây gãy xương nền sọ, u nền sọ hoặc ung thư vòm họng di căn, túi phồng động mạch thông sau; bệnh Zona, viêm mỏm ương đá, u tiên phát dây thần kinh hoặc di căn; u mạch, u dây VIII, u màng não, cholesteatoma; bệnh xơ cứng não tuỷ rải rác, nhồi máu não vùng hố bên hành não (hội chứng Wallenberg) bệnh rỗng hành não; đái tháo đường, bệnh Goute do lắng đọng axit uric vào ống xương (lỗ trên ổ mắt và lỗ dưới ổ mắt, lỗ cằm), nơi dây V đi qua...

Làm thế nào để nhận biết?

  • Đau mi mắt trên, da vùng trán và lan ra phía sau; đau cánh mũi, môi trên có khi lan tới mi mắt dưới; chỏm cằm, môi dưới có khi lan ra cung răng dưới; đau thành từng cơn, đột ngột, bùng phát và kết thúc đột ngột; cơn đau phát sinh không rõ nguyên nhân hoặc khi có kích thích (cạo râu, rửa mặt, nhai, nói, chạm vào mặt). Cơn đau thường xuất hiện vào ban ngày, ít khi xảy ra vào ban đêm; đau dữ dội như bỏng, như luồng điện giật, như tia lửa, dao đâm. Bệnh nhân rất sợ hãi mỗi khi nghĩ lại cơn đau; trong cơn đau bệnh nhân phải giữ nguyên tư thế đầu, không dám cử động, gọi là "tư thế đau dây V", ngồi im, đỡ lấy má bên đau, không nói, không kêu; có thể có co giật cơ mặt, vã mồ hôi, tăng tiết nước bọt, nước mắt, nước mũi...

Nhổ răng vì nhầm nguyên nhân

  • Một trong những dạng đau mặt và nửa đầu có thuốc điều trị đặc hiệu tương đối hiệu quả nếu được chẩn đoán đúng, sớm ngay từ đầu đó là đau dây thần kinh số V hay còn gọi dây thần kinh sinh ba. Thực tế cho thấy nhiều bệnh nhân không được khám và chẩn đoán đúng, kịp thời đã xử trí rất đáng tiếc nhầm với các bệnh lý răng, miệng. Có những bệnh nhân phải nhổ răng vì tưởng đó là nguyên nhân gây đau, song khi đã nhổ rồi tình trạng đau không được giải quyết vì thực chất là họ bị đau dây thần kinh sinh ba. Do đó, khi được dùng thuốc đặc hiệu, bệnh cải thiện rõ rệt.

Dùng thuốc:

  • Từ năm 1964 người ta đã dùng thuốc chống động kinh carbamazepin để điều trị đau dây V. Dùng liều tăng dần và ngừng ở liều thấp nhất có tác dụng.

Tác dụng phụ của carbamazepin:

  • Thường bệnh nhân dung nạp thuốc tốt, đôi khi có rối loạn tiêu hoá, buồn ngủ. Cần lưu ý một số bệnh nhân có dị ứng muộn với carbamazepin, khi đó phải ngừng thuốc ngay. Khi dùng thuốc này kéo dài phải kiểm tra công thức máu cho bệnh nhân. Ngừng ngay thuốc nếu hồng cầu dưới 3 triệu/mm3, bạch cầu dưới 4000/mm3, tiểu cầu dưới 100.000/mm3; chống chỉ định phụ nữ có thai trong ba tháng đầu, block nhĩ thất, mẫn cảm với thuốc, suy gan, suy thận, glaucoma.

Khi carbamazepin không có tác dụng có thể điều trị kết hợp với các thuốc chống động kinh cổ điển diphenyl hydantoin: sodanton, dihydan hoặc kết hợp với các thuốc ức chế beta propanolon, cần lưu ý các tác dụng phụ của thuốc nhóm này như hen phế quản, block nhĩ thất, viêm loét dạ dày tá tràng, mạch chậm.

Có tác giả cho rằng, diệt hạch Gasser bằng cồn 900 mang lại sự khỏi bệnh vĩnh viễn. Nhưng nhiều tác giả khác cho rằng chỉ có phẫu thuật mới đem lại kết quả lâu dài và ít biến chứng.

Dựa vào phương pháp định hướng trong không gian (stéreotaxie), một số tác giả dùng kim chọc qua da để vào vùng hạch Gasser diệt hạch bằng đốt điện. Từ những thủ thuật đầu tiên của Kirsener dùng điện đốt hạch Gasser, làm mát toàn bộ đường dẫn truyền cảm giác; Tiến hành đốt chọn lọc rễ sau của dây V. Phương pháp này mặc dù có một số tỷ lệ tái phát nhiều hơn phương pháp mổ nhưng ít nguy hiểm, thực hiện được dễ dàng.

Tại Việt Nam, GS. Nguyễn Thường Xuân, Trần Thụy Lân (1978) đã diệt hạch Gasser bằng huyết thanh nóng.

Điều trị ngoại khoa:

  • Trường hợp ngoại lệ nếu điều trị bằng nội khoa không đạt kết quả cần phải điều trị bằng phẫu thuật.

Kỹ thuật thông dụng là cắt dây thần kinh qua da sau hạch Gasser, bổ sung thêm bằng tần số phóng xạ. Phương pháp này cho kết quả khả quan hơn, khoảng 95% bệnh nhân giảm đau. Tỷ lệ tái phát 7 - 21%. Các biến chứng sau phẫu thuật có thể có cảm giác tê cóng mặt, mất sự chỉ huy của thần kinh giác mạc. Viêm giác mạc thứ phát nếu cắt nhánh mắt.

Kỹ thuật vi phẫu đòi hỏi phải mở hộp sọ vùng chẩm. Khoảng 5% có biến chứng nặng sau phẫu thuật như mất cảm giác đau và dẫn truyền thần kinh, đòi hỏi phải điều trị lâu dài sau phẫu thuật bằng các thuốc chống trầm cảm khác.

Ngoài ra cần phải tìm nguyên nhân gây đau dây thần kinh V để điều trị kết hợp.

TS. Hoàng Ngọc-SKĐS