Bệnh sâu răng

TIÊM NGỪA VIÊM GAN SIÊU VI B


chich-ngua-viem-gan-sieu-vi-bCâu hỏi : Kính thưa bác sĩ, con trai tôi năm nay 6 tuổi. vừa qua, do tình cờ trong lần khám sức khoẻ định kì của vợ chông tôi, tôi có cho cháu xét nghiệm máu, vì các năm trước do cháu còn bé nên cũng không cho cháu thử xét nghiệm máu. Qua xét nghiệm, vợ chồng tôi được biết cháu bị viêm gan siêu vi B với kết quả: HbsAg (+): 21.61, HbsAb: (-), ALT 33, AST 26. HbeAg (-) HbeAb (+). Vợ tôi có đi khám mỗi 6 tháng trước khi mang bầu và ghi nhận là "người lành mang mầm bệnh", chỉ bị nhiễm loại virus này nhưng nó ở trạng thái ngủ yên, không hoạt động. Và khi sinh em bé thì có chích ngừa viêm gan siêu vi B ngay sau sinh, tiếp tục những mũi tiếp theo theo lịch hẹn. Vợ chồng tôi thắc mắc là tại sao cháu vẫn bị nhiễm con virus này. Mong bác sĩ giải thích dùm

Trả lời :

Câu hỏi của anh chị có liên quan đến bệnh viêm gan siêu vi B (VGSVB) và chủng ngừa sau sinh mà hiện tại dư luận rất quan tâm.

Viêm gan siêu vi B là cơ thể bị lây nhiễm 1 loại virus (siêu vi) có tác động đến tế bào gan và gây viêm gan. Khi cơ thể bị nhiễm loại virus này, nếu siêu vi "đủ mạnh" chống lại sức đề kháng của cơ thể để gây viêm gan thì xét nghiệm có HbsAg (+), antiHbs(-) và HbeAg (+) đồng thời men gan (ALT, AST) sẽ tăng cao, còn nếu chúng bị cơ thể tiết ra chất kháng thể tiêu diệt thì khi xét nghiệm có antiHbs (+) và HbsAg (-), còn nếu chúng ở dạng "người lành mang mầm bệnh" tức là siêu vi không gây viêm gan, nó sẽ ở trạng thái không hoạt động. Khi xét nghiệm máu sẽ có Hbs Ag(+) nhưng men gan không tăng cao. Khi trẻ được sinh ra, việc chích ngừa viêm gan là đưa vào cơ thể trẻ 1 yếu tố giống với con siêu vi B nhằm kích thích cơ thể trẻ tạo ra kháng thể HbsAg chống lại con virus viêm gan B.

Các bà mẹ có mang virus viêm gan siêu vi B (HbsAg dương tính) sẽ có nguy cơ lây nhiễm cho con nếu không "điều trị". Nguy cơ này tăng rất cao nếu người mẹ có thêm kháng nguyên HbeAg dương tính (biểu hiện tình trạng virus đang sinh sản tăng lên rất nhiều).Ngoài ra, cần lưu ý, nếu người mẹ nhiễm virut viêm gan 3 tháng cuối trước khi sinh, thì các xét nghiệm viêm gan thông thường có thể không phát hiện ra bệnh ("âm tính giả" của "giai đoạn cửa sổ").

Tiêm vacxin ngừa viêm gan siêu vi B sau sinh trong vòng 12 giờ sau sinh là 1 biện pháp điều trị đã được chứng minh có hiệu quả chống lại siêu vi. Liệu pháp này gọi là "dự phòng sau tiếp xúc". Nó cần được tiếp tục bằng 1 mũi tiêm thứ 2 vào 1 -2 tháng sau đó (tốt nhất là 1 tháng), và mũi thứ 3 sau mũi thứ 2 tối thiểu 2 tháng. Nếu mẹ của bé có viêm gan siêu vi B trong tình trạng siêu vi đang sinh sản (HbeAg dương tính) thì trong lúc sinh trẻ được dùng thêm 1 loại thuốc immunoglobulin nhằm tiêu diệt trực tiếp siêu vi trong cơ thể bé.

Mặc dù có những công trình nghiên cứu nhận thấy biện pháp dự phòng bằng vac xin sau sinh cho kết quả tương đương với việc kết hợp tiêm vac xin và sử dụng immunoglobulin đặc hiệu (cùng lúc với mũi đầu tiên trong vòng 12 giờ sau sinh) nhưng đa số các nước phát triển đều sử dụng phác đồ kết hợp tiêm vac xin và immunoglobulin.

Cũng mở ngoặc rằng các liệu pháp này tuy đã giảm đáng kể nguy cơ lây nhiễm cho trẻ sơ sinh nhưng kết quả vẫn không hoàn toàn thành công. Sau sinh từ 9 đến 18 tháng, trẻ cần được xét nghiệm viêm gan (HbsAg, HbeAg, anti Hbs) để xem trẻ có được bảo vệ tốt không.

Trường hợp của cháu, các kết quả cho thấy bị nhiễm HbsAg với nhiều khả năng là người lành mang trùng (vì men gan ALT và AST không tăng chứng tỏ không có viêm gan), kháng nguyên HbeAg âm tính, kháng thể HbeAb (hoặc anHbe) dương tính chứng tỏ virus viêm gan hiện nằm yên, không sinh sản.

Thái độ xử trí hiện nay là thuờng xuyên theo dõi các xét nghiệm miễn dịch viêm gan và men gan mỗi 6 tháng. Tránh các yếu tố nguy cơ: lây nhiễm mới siêu vi A, B, C bằng cách chích ngừa viêm gan A, tránh các thủ thuật không an toàn như chích lễ, lấy ráy tai gây chảy máu, làm răng ở những cơ sở không đảm bảo vệ sinh. Vì mỗi chủng virus viêm gan có độc lực khác nhau nên lây nhiễm thêm chủng có độc lực cao thì khả năng mắc bệnh càng cao.

Hiện tại tình trạng của cháu và của mẹ là người lành mang trùng, cần tích cực phòng tránh lây bệnh thêm cho mình và cho người xung quanh theo lời khuyên của y tế.

Nếu bạn có thêm thắc mắc về viêm gan siêu vi B bạn có thể tham khảo trang web www.hepb.org/10-0224.hepb đó là trang web chính thức về viêm gan siêu vi B của tổ chức nghiên cứu về VGSV B

 BS.CK2 Nguyễn Công Viên - Trưởng Khoa Khám Trẻ Em Lành Mạnh-BVNĐ2