Tẩy trắng răng
Kháng sinh đang dần "bất lực"
- Tiến sĩ J.Ewards, Chủ tịch Hiệp hội các bệnh nhiễm khuẩn Mỹ cho rằng, công cuộc nghiên cứu chống vi khuẩn đang trên đà xuống dốc nghiêm trọng. Hiện trạng đó đang là tiếng chuông cảnh báo, con người sẽ thua trong cuộc chiến chống vi khuẩn.
Kháng sinh là những chất có nguồn gốc sinh học, tổng hợp hoặc bán tổng hợp mà ngay ở nồng độ thấp đã có khả năng ức chế (bacteriostatic) hoặc tiêu diệt (bactericidal) vi sinh vật một cách đặc hiệu.
Việc khám phá và phát triển các kháng sinh đã tạo ra các thế hệ vũ khí hữu hiệu giúp con người chống lại vi khuẩn.
- Tuy nhiên, việc nghiên cứu phát triển kháng sinh mới đang có xu hướng giảm theo thời gian: 1936 phát minh ra các sulfonamid, 1940 phát minh ra penicilin, 1949: tetracyclin, 1949: chloramphenicol, 1950: aminoglycosid, 1952: macrolid, 1958: glycopeptid, 1962: streptogramin và quinolon, 1999: oxazolidinon và đến 2003 mới phát minh thêm được các lipopeptid. Trong một hội nghị về chống nhiễm khuẩn tại Chicago năm 2004, các báo cáo đều cho rằng các hãng dược phẩm đang có xu hướng từ bỏ cam kết triển khai thuốc kháng sinh mới. Trong khi đó, tình hình kháng kháng sinh ngày càng gia tăng và đang là mối quan ngại của toàn cầu (tỷ lệ đề kháng cao của nhiều vi khuẩn với fluoroquinolon hay vấn đề phế cầu đa kháng kháng sinh tại châu Á hoặc nhiều vùng trên thế giới có tỷ lệ pneumococci đề kháng cao với nhiều kháng sinh...).
Nguyên nhân gây kháng kháng sinh:
- Có nhiều yếu tố gây nên tình trạng kháng kháng sinh. Trong đó, việc sử dụng không hợp lý kháng sinh là yếu tố lớn nhất. Cách sử dụng không phù hợp (dùng không đúng liều lượng và không đúng khoảng cách giữa các lần dùng), dùng kháng sinh khi không cần thiết (khi nhiễm siêu vi), chọn kháng sinh không phù hợp... Những yếu tố đó trực tiếp ảnh hưởng đến vòng xoắn kháng kháng sinh: Nhiễm khuẩn => Điều trị không thích hợp => Không tiệt trừ được vi khuẩn => Chọn lọc các vi khuẩn đề kháng => Nhiễm khuẩn lan tràn => Tăng kháng thuốc => Nhiễm khuẩn.
- Việc sử dụng kháng sinh không đạt được thành công về mặt vi khuẩn sẽ tạo ra nguy cơ thất bại trên lâm sàng (đáp ứng lâm sàng chậm, xuất hiện những biến chứng...) và sự đề kháng kháng sinh, tạo ra những chủng vi khuẩn đa kháng thuốc sống sót, nhân lên và lan tràn. Sử dụng kháng sinh không hiệu quả còn tạo ra sự đề kháng với những kháng sinh cùng nhóm và khác nhóm.
- Việc sử dụng kháng sinh không hiệu quả, không hợp lý đang là vấn đề có phạm vi ảnh hưởng rộng khắp ở mọi cấp độ chăm sóc y tế, là nguyên nhân làm tăng đáng kể chi phí khám chữa bệnh. Kèm theo việc sử dụng không đúng một cách phổ biến có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng bao gồm cả vấn đề kháng kháng sinh. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khuyến cáo về thực trạng kê đơn đáng lo ngại trên toàn cầu: khoảng 30-60% bệnh nhân tại các cơ sở y tế được kê đơn kháng sinh, tỷ lệ này cao gấp đôi so với nhu cầu lâm sàng; khoảng 20-90% số ca viêm đường hô hấp trên do virut được điều trị bằng kháng sinh và 60-90% bệnh nhân được kê đơn kháng sinh không phù hợp. Ngay tại Mỹ và Trung Quốc, WHO vẫn cho rằng còn 60- 90% số ca viêm đường hô hấp trên do virut được điều trị bằng kháng sinh. Tại Thái Lan, khoảng 90% bệnh nhân được đánh giá là kê đơn kháng sinh không phù hợp. Tại Việt Nam, Chương trình hợp tác y tế Việt Nam - Thụy Điển đánh giá sử dụng thuốc năm 2003 đã phát hiện các bất cập tại nhiều cơ sở y tế từ Trung ương đến địa phương, trong khi tiền mua kháng sinh luôn chiếm khoảng 50% kinh phí thuốc của các bệnh viện.
Cơ chế kháng thuốc:
- Vi khuẩn có thể kháng kháng sinh bằng cách thay đổi mục tiêu (nơi kháng sinh gắn vào và thể hiện tác dụng) hoặc làm giảm sự tiếp xúc của kháng sinh với các mô mục tiêu (thay đổi sự xâm nhập hay đẩy kháng sinh khỏi tế bào nhiễm vi khuẩn), làm giảm lượng kháng sinh tiếp xúc với mô mục tiêu hay bất hoạt kháng sinh bằng enzym do vi khuẩn tiết ra. Đề kháng kháng sinh có thể là đề kháng giả (chỉ có biểu hiện đề kháng trong môi trường nhất định) hoặc đề kháng thật (vi khuẩn không chịu tác dụng của kháng sinh). Đề kháng kháng sinh có thể là đề kháng tự nhiên hoặc đề kháng thu được do đột biến di truyền: truyền dọc qua sinh sản (ông, cha, con, cháu,...); truyền ngang (từ vi khuẩn này sang vi khuẩn khác); lây nhiễm (người sang người, động vật sang người, môi trường...). Quá trình đó chọn lọc ra các cá thể đề kháng, phát triển thành dòng (quần thể) đề kháng.
Biện pháp hạn chế kháng kháng sinh:
- Sử dụng kháng sinh hợp lý là yếu tố quyết định để bẻ gãy vòng xoắn kháng thuốc, loại trừ nguy cơ kháng thuốc và thất bại trong điều trị. Thành công về mặt vi khuẩn sẽ chữa khỏi nhiễm trùng, giải quyết được triệu chứng và ngăn chặn đề kháng. Tuyên bố của WHO năm 2000 về chiến lược hữu hiệu nhất chống lại sự đề kháng kháng sinh là "Diệt sạch vi khuẩn, làm tan mầm mống kháng thuốc trước khi chúng phát triển và lan tràn". Kết quả đó chỉ có được khi kháng sinh được sử dụng theo chỉ định của thầy thuốc. Khi chỉ định sử dụng kháng sinh thầy thuốc cần chú ý:
- Chỉ dùng kháng sinh để điều trị bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra. Cân nhắc điều trị kháng sinh dự phòng và kết hợp kháng sinh.
- Chọn kháng sinh điều trị theo kết quả của kháng sinh đồ, khuếch tán tốt vào vị trí nhiễm khuẩn, ưu tiên kháng sinh phổ hẹp có tác dụng đặc hiệu lên vi khuẩn gây bệnh.
- Sử dụng kháng sinh dựa theo các thông số dược động học. Dùng kháng sinh đủ liều lượng và đủ thời gian.
- Đề cao các biện pháp khử trùng và tiệt trùng tránh lan tràn vi khuẩn đề kháng. Liên tục giám sát sự đề kháng kháng sinh của vi khuẩn.
SKĐS