Nha khoa tổng quát

Ảnh hưởng của đồ uống đến tác dụng của thuốc


Đồ uống có thể làm thay đổi tác dụng cũng như độc tính của thuốc. Hiểu được những ảnh hưởng này, người sử dụng sẽ biết phòng tránh một số loại đồ uống có ảnh hưởng nhiều đến tác dụng của thuốc.
Ảnh hưởng của nước: Trong mọi trường hợp, nước là đồ uống thích hợp cho mọi loại thuốc. Nước giúp thuốc dễ dàng trôi từ thực quản đến dạ dày và chóng tới tá tràng, giảm kích ứng của một số thuốc (quinin, erythromycin, doxycyclin, aspirin...).

  • Điều này đặc biệt quan trọng với người già vì ở đối tượng này, lượng chất tiết giảm rất nhiều. Nước làm tăng độ tan của dạng bào chế và dược chất, thúc đẩy quá trình hấp thu, nhờ đó làm tăng sinh khả dụng của thuốc, nhất là với các thuốc ít tan (amoxycilin, theophyllin,...). Nước cũng giúp làm tăng tác dụng của các thuốc kém bền vững trong môi trường acid của dạ dày do tác dụng hòa loãng dịch vị. Nước còn giúp rửa sạch thuốc đọng lại ở ống tiêu hóa, nhờ đó giảm được các tác dụng phụ như buồn nôn, kích ứng và loét. Lượng nước nhiều sẽ giúp bài xuất nhanh một số thuốc có độc tính cao (cyclophosphamid) qua nước tiểu, giảm tác dụng phụ tạo sỏi của một số thuốc (sulfamid...). Nói chung, khi sử dụng thuốc nên uống nhiều nước. Không nên dùng các loại nước hoa quả, nước khoáng, các loại nước ngọt có gas... để uống thuốc, vì các loại đồ uống này có thể phá hỏng thuốc hoặc gây thay đổi hấp thu. Cần đặc biệt lưu ý điều này với các thuốc có khoảng điều trị hẹp để tránh dẫn đến tăng tác dụng phụ hoặc độc tính.

Ảnh hưởng của sữa: Không nên uống thuốc cùng với sữa bởi các lý do: sữa chứa calci caseinat có thể tạo phức với nhiều loại thuốc (tetracyclin, lincomycin...). Sữa còn chứa nhiều lipid, giúp các thuốc ưa lipid dễ tan vào đó và giữ thuốc lại. Protein có trong hợp phần của sữa có thể liên kết với một số thuốc có ái lực cao với protein. Các quá trình này đều làm giảm tác dụng của thuốc do giảm hấp thu. Đa phần các kháng sinh đều bị sữa làm giảm hấp thu. Mặt khác, không nên pha thuốc trong sữa cho trẻ bú, vì có thể trẻ không bú hết và thuốc dính lại bình hay núm vú cao su sẽ làm sai lệch liều lượng của thuốc. Tuy nhiên, sữa có pH khá cao, nên làm giảm kích ứng dạ dày của một số thuốc có tính acid.
Ảnh hưởng của cà phê và nước chè: Caffein trong cà phê và nước chè làm thay đổi hấp thu của một số thuốc do làm tăng hòa tan (ergotamin, aspirin, paracetamol) hoặc làm tăng độ acid dạ dày. Ngược lại, haloperidol, aminazin, alcaloid, sắt,... khi uống với cà phê và nước chè sẽ bị giảm hấp thu do kết tủa với tanin có trong nước chè.
Ảnh hưởng của rượu etylic: Liều cao gây co thắt môn vị làm chậm sự tháo sạch của dạ dày và giảm hấp thu thuốc. Người nghiện rượu thường bị giảm albumin huyết tương, vì thế làm thay đổi phân bố thuốc. Rượu còn gây cảm ứng các men gan tham gia chuyển hóa thuốc, làm tăng chuyển hóa và giảm tác dụng của một số thuốc (bacbituric, carbamazepin, propranolol, một số sulfamid hạ đường huyết...). Rượu làm tăng tác dụng gây viêm loét và chảy máu của thuốc chống viêm không steroid. Uống rượu cùng với thuốc điều trị tăng huyết áp có thể gặp nguy cơ tụt huyết áp đột ngột do tác dụng giãn mạch ngoại vi của rượu. Các thuốc an thần nhóm benzodiazepin khi uống cùng với rượu sẽ làm thay đổi tâm tính rất mạnh ngay ở liều điều trị thông thường. Rượu có tác dụng kích thích ở liều nhỏ, ức chế ở liều cao. Đặc tính này ảnh hưởng rất nhiều đến các thuốc chống trầm cảm, thuốc ngủ và thuốc chống động kinh. Khi uống một số thuốc kháng histamin có tác dụng ức chế thần kinh trung ương (promethazin, clopheniramin...) cùng với rượu sẽ xuất hiện tác dụng ức chế quá mức ngay ở liều thấp. Uống rượu cùng với kháng sinh nhóm cephalosporin, isoniazid hoặc metromidazol sẽ gây phản ứng sợ rượu.
Dinh dưỡng, bao gồm thức ăn và đồ uống từ lâu đã được y học ghi nhận là một trong các yếu tố quan trọng quyết định kết quả điều trị. Hơn thế, nó còn trực tiếp ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc. Để quá trình điều trị bằng thuốc được an toàn và hiệu quả, phát huy tối đa tác dụng của thuốc, trong mọi trường hợp nên tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ về thời gian uống thuốc và chế độ ăn uống khi điều trị.

Nguồn: Báo Sức khoẻ và Đời sống