Nha khoa trẻ em

Các dị tật bẩm sinh ở trẻ có thể phẫu thuật sớm

Trong suốt 14 năm, chương trình phẫu thuật nụ cười của Viện Răng Hàm Mặt Trung ương (nay là Bệnh viện Răng Hàm Mặt) tại TP.Hồ Chí Minh đã giúp 739 trẻ em bị sứt môi, hở hàm ếch trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được phẫu thuật, hoà nhập cộng đồng. Tiến sĩ Lâm Hoài Phương, Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương đã trao đổi với phóng viên báo Bà Rịa - Vũng Tàu chung quanh vấn đề này.
* Bà có thể cho biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ em bị dị tật sứt môi, hở hàm ếch? Dị tật bẩm sinh này có phòng ngừa được không?
- Theo số liệu thống kê, tỷ lệ trẻ bị dị tật bẩm sinh sứt môi, hở hàm ếch vào khoảng 2,1 phần ngàn. Đây được coi là tỷ lệ tương đối cao về dị tật bẩm sinh và tập trung nhiều ở châu Á.

  • Tuy nhiên, hiện nay, khoa học vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính gây ra tình trạng này. Dị tật sứt môi, hở hàm ếch có thể do yếu tố gen, đây là yếu tố thường được nhấn mạnh hơn cả, nếu như trong gia đình ở một thế hệ nào đó có người bị sứt môi, hở hàm ếch thì cũng có thể dẫn đến trẻ mắc dị tật này khi sinh ra. Ngoài ra, trong thời kỳ mang thai, bà mẹ bị cảm cúm cũng có thể là nguyên nhân, hoặc do hút thuốc, uống rượu... Vấn đề về nội tiết tố cũng có thể ảnh hưởng đến thai nhi và dẫn đến bị dị tật sứt môi, hở hàm ếch.

Chính vì những nguyên nhân kể trên, nên biện pháp phòng ngừa rất khó xác định. Chúng tôi chỉ có thể khuyến cáo cho bệnh nhân, người nhà và toàn xã hội cần quan tâm đến những bà mẹ chuẩn bị sinh con có kiến thức đầy đủ. Quan trọng là phải phòng ngừa được cảm cúm, không uống thuốc trong 3 tháng trước và đầu thai kỳ, tránh những môi trường có hoá chất, nhiễm phóng xạ, hoặc các yếu tố độc hại khác.
* Khi mắc dị tật này, ngoài vấn đề về thẩm mỹ, còn ảnh hưởng đến sức khoẻ và sinh hoạt của trẻ như thế nào, thưa bà?

  • Thông thường, những em bé khi sanh ra bị sứt môi, hở hàm ếch rất khó nuôi. Các cháu dễ bị viêm nhiễm đường hô hấp trên, rất khó ăn uống nên dễ bị suy dinh dưỡng, giảm sức đề kháng. Trẻ em bị dị tật này phải được theo dõi từ lúc mới sinh cho đến 18 tuổi, là thời điểm các cháu đã phát triển toàn diện chứ không chỉ dừng lại ở thời điểm sau phẫu thuật.

Đối với trẻ bị hở hàm ếch, sau khi được phẫu thuật phải quan tâm đến chức năng phát âm, răng miệng, chỉ khi nào thấy không bị ảnh hưởng mới được coi là hoàn chỉnh và có thể hoà nhập tốt với cộng đồng.
* Đối với các bậc phụ huynh có con bị dị tật sứt môi, hở hàm ếch, phẫu thuật cho trẻ ở thời điểm nào là phù hợp?

  • Sứt môi, hở hàm ếch là một dạng dị tật bẩm sinh nhẹ, các cháu vẫn phát triển bình thường về trí tuệ. Do đó, khi trẻ sinh ra bình thường, khỏe mạnh nhưng bị dị tật này, các bậc phụ huynh đừng quá lo lắng, hãy liên hệ trực tiếp với các bệnh viện nơi trẻ sinh ra để được hướng dẫn. Trẻ từ 6 tháng tuổi, có cân nặng 6 kg đã có thể tiến hành phẫu thuật. Thậm chí, có trường hợp có thể phẫu thuật sớm hơn, từ lúc mới chỉ 3 tháng tuổi. Riêng em bé bị hở hàm ếch đến 12 tháng tuổi có thể phẫu thuật. Các bậc phụ huynh không nên đưa trẻ đi phẫu thuật quá muộn tránh làm tổn thương về mặt tinh thần cũng như sức khỏe của trẻ do dễ bị viêm nhiễm đường hô hấp trên, ảnh hưởng đến sự phát triển của các chức năng khác liên quan đến đường mũi, họng như phát âm, trẻ sẽ còn phải được tiếp tục theo dõi cho đến 18 tuổi.
14 năm qua, bệnh viện Răng - Hàm - Mặt Trung ương đã gắn bó với
Bà Rịa - Vũng Tàu trong chương trình phẫu thuật nụ cười cho trẻ em khuyết tật.

* Bà Rịa - Vũng Tàu vừa được công nhận dứt điểm phẫu thuật trẻ sứt môi, hở hàm ếch, trong khi như bà cho biết đây là dị tật bẩm sinh. Vậy chương trình có còn được tiếp tục?
- Nói là dứt điểm chỉ để đề cập đến việc đánh dấu một mốc quan trọng trong 10 năm (1997-2007) Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương phối hợp với Bà Rịa - Vũng Tàu tiến hành phẫu thuật, trả lại nụ cười bình thường cho những em đã được sinh ra có dị tật này. Điều đó có nghĩa chương trình chưa phải đã chấm dứt mà sẽ còn tiếp tục bước sang một mốc khởi điểm mới nhưng ở mức độ khác hơn, với sự hợp tác rộng rãi, nhiều chiều hơn để trẻ em bị dị tật sứt môi, hở hàm ếch bẩm sinh được phẫu thuật sớm, không còn phải chờ đợi.
Trong suốt 14 năm thực hiện chương trình "Phẫu thuật nụ cười" tại Bà Rịa - Vũng Tàu, bên cạnh việc giúp đỡ người nghèo phẫu thuật miễn phí cho trẻ em, chúng tôi còn chuyển giao công nghệ, giúp bác sĩ chuyên khoa răng - hàm - mặt của tỉnh nâng cao năng lực chuyên môn, hiện tại các bệnh viện tỉnh đã có thể giải quyết được những trường hợp nhẹ, đơn giản. Hy vọng trong thời gian không xa tới đây, trẻ em bị sứt môi, hở hàm ếch của Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ được các bác sĩ ngay tại tỉnh nhà phẫu thuật.

Nguồn: Theo Báo Bà Rịa - Vũng Tàu