Tin tức nha khoa trong nước

Bệnh tay chân miệng tăng nhanh


TT - Các bác sĩ ở TP.HCM nhận định hiện đang là đỉnh điểm của bệnh tay chân miệng. Số bệnh nhân nhập viện đã tăng gấp đôi so với tháng trước. Nhiều giường bệnh phải ghép 4-5 trẻ/giường.

Ngày 14-5, tại khoa nhiễm - thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, chị Nguyễn Thị Thu Thảo (ngụ ở Củ Chi) kể con chị mắc bệnh tay chân miệng phải nhập viện điều trị. Nhân viên y tế xếp con chị nằm phòng 102.

Mới đầu chị đưa con vào phòng trị bệnh nhưng sau đó quyết định chuyển con ra hành lang nằm do phòng bệnh rất đông, ngột ngạt. Chị Thảo nói mỗi giường bệnh phải nằm ghép 4-5 bệnh nhi. Chị Đặng Thị Tươi (ngụ ở thị xã Vĩnh Long) nói con chị mắc bệnh tay chân miệng nặng, nằm điều trị trong phòng cấp cứu của khoa. Nhưng ngay cả phòng cấp cứu cũng nằm ghép hai trẻ một giường.
Tăng hơn năm ngoái
7g ngày 14-5, phòng cấp cứu khoa nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM) đông nghẹt bệnh nhân nằm điều trị, trong đó phần lớn là trẻ mắc bệnh tay chân miệng. Tại đây cũng có tình trạng hai bệnh nhi nằm chung một giường nên gia đình phải đưa các cháu ra nằm ở hành lang.
Bác sĩ Trần Thị Thúy, phó khoa nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 2, cho biết số bệnh nhân mắc bệnh tay chân miệng nhập viện tăng nhiều so với tháng 4. Liên tục trong ba ngày gần đây, mỗi ngày khoa đều tiếp nhận 12-16 trẻ mắc bệnh tay chân miệng. Ngày 14-5, tại khoa có 37 trẻ mắc bệnh tay chân miệng nằm điều trị. Theo bác sĩ Thúy, thời gian này khoa liên tục tiếp nhận những ca bệnh tay chân miệng nặng, diễn biến nhanh, phức tạp.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 1, nhận định hiện đang là đỉnh điểm của bệnh tay chân miệng. Ngày 14-5, tại khoa có 43 trẻ mắc bệnh tay chân miệng nằm điều trị (tăng gấp đôi so với tháng trước). Khác với năm trước, năm nay mùa của bệnh tay chân miệng đến trễ hơn. Trước đây, bệnh tay chân miệng thường tăng từ tháng 3 đến tháng 5 thì năm nay bắt đầu tăng từ tháng 4 và dự báo sẽ kéo dài cho đến tháng 6.
Nhiều trẻ bị lây từ trường học
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, dù chưa có thống kê cụ thể nhưng qua những nghiên cứu trước đây có đến 30% trẻ mắc bệnh tay chân miệng khi đang đi nhà trẻ. Những phụ huynh đi nuôi con tại bệnh viện cũng nói các cháu bị lây bệnh khi ở nhà trẻ. Bác sĩ Khanh khuyên để tránh bệnh lây lan trong cộng đồng, khi thấy trẻ có triệu chứng mắc bệnh tay chân miệng như sốt, nổi hồng ban ở lòng bàn chân, lòng bàn tay kèm theo những triệu chứng giật mình, ói, run tay chân, đi loạng choạng, lừ đừ, khó ngủ... cần cho trẻ nghỉ học, đưa trẻ đến các cơ sở y tế khám, điều trị.
Bác sĩ Khanh còn lưu ý khi thấy trẻ nổi hồng ban, không ít bậc cha mẹ đã lấy thuốc bôi vào những nốt hồng ban, cách bôi này không có tác dụng đối với trẻ mắc bệnh tay chân miệng, thậm chí còn làm khó các bác sĩ trong việc chẩn đoán bệnh.
Bác sĩ Thúy cho biết bệnh tay chân miệng là bệnh có diễn tiến nhanh, phức tạp, có thể gây tử vong. Hiện nay trên thế giới vẫn chưa có văcxin phòng ngừa cũng như chưa có thuốc đặc trị bệnh này. Các bác sĩ chỉ điều trị triệu chứng cho các ca bệnh.
Tác nhân gây bệnh tay chân miệng do virus đường ruột gây nên. Do vậy, để phòng ngừa bệnh cần giữ gìn vệ sinh trong ăn uống, vệ sinh thân thể cho trẻ.
THÙY DƯƠNG

(Tuổi trẻ)