Nha khoa trẻ em

Câu chuyện của răng (Phần 5)

cau-chuyen-cua-cai-rang-5Những tác hại của các thói quen xấu mút ngón tay hay núm vú giả,tật đẩy lưỡi ra trước khi nuốt, cắn môi dưới , cắn móng tay , gặm bút, thở bằng miệng sẽ gây ảnh hưởng đến sự phát triển răng hàm mặt của trẻ như thế nào?

  • Các bậc cha mẹ ai trong chúng ta cũng đều mong muốn cho con mình khi trẻ lớn lên sẽ có hàm răng trắng, đều, đẹp và khoẻ mạnh.
  • Nhưng một số thói quen không tốt về răng miệng khi trẻ còn nhỏ lại là nguyên nhân khiến trẻ lớn lên không có được hàm răng đẹp như mong muốn, vì thế các bậc cha mẹ cần nên biết cách chăm sóc sức khỏe răng miệng cho con mình và hết sức lưu ý sửa ngay một số thói quen xấu về răng miệng cho trẻ khi mới mắc phải.

Các thói quen xấu về răng miệng ở trẻ em là vấn đề đã được đề cập và nghiên cứu nhiều trong ngành nha khoa. Một số thói quen chỉ gây ra những xáo trộn rất nhỏ gây ra những lệch lạc ở bộ răng như sự sắp xếp không hợp lý của các răng. Tuy nhiên cũng có những thói quen rất có hại, ảnh hưởng không tốt đến thẩm mỹ gương mặt của trẻ và ảnh hưởng rất xấu đến sự phát triển của răng, hàm mặt gây ra những lệch lạc về răng và hàm mặt và có thể làm rối loạn một số chức năng ở vùng hàm mặt.

Để giúp trẻ có một hàm răng chắc khỏe, đều và đẹp, ngoài việc dinh dưỡng đầy đủ, tuân thủ những nguyên tắc chăm sóc răng miệng nhất định, các bậc cha mẹ cần lưu tâm đến một số thói quen xấu sau đây của con trẻ của mình sẽ làm ảnh hưởng đến sự phát triển của răng hàm mặt:

1) Hạn chế các thói quen xấu của trẻ như ăn ngậm, ăn vặt, ăn bánh mứt , kẹo thường xuyên và những thức ăn chứa nhiều đường.

2) Không nên để cho trẻ có thói quen bú bình và ngậm bình sữa hoặc nước hoa quả hay nước ngọt ngậm trong miệng những lúc bé đi ngủ nhất là ban đêm.

3) Hiện nay thói quen mút ngón tay của trẻ ngày một phổ biến , mút tay là một thói quen xấu nhưng lại rất thường gặp ở trẻ nhỏ có ảnh hưởng xấu đến quá trình mọc răng, thẩm mỹ của răng và cung hàm. Mặc dù hầu hết các trẻ đều mút tay nhưng nếu thói quen này kéo dài thì có thể dẫn đến lệch lạc răng. Mút tay trong thời kỳ răng sữa ít gây hậu quả nghiêm trọng . Tuy nhiên nếu thói quen mút tay kéo dài sau khi răng vĩnh viễn mọc lên sẽ dễ dẫn đến lệch lạc răng, sai khớp cắn . Khi các ngón tay đặt lên giữa hai nhóm răng cửa trên và dưới tạo lực nén trực tiếp sẽ đẩy răng cửa trên mọc chìa ra ngoài, răng cửa dưới nghiêng vào trong, hai hàm cắn không khít và khi mút tạo áp lực âm trong khoang miệng, môi và má sẽ ép vào làm hẹp cung hàm.

4) Ngậm núm vú là một trong những tật xấu gây hại cho răng mà trẻ thường hay mắc phải. Tuy không gây sâu răng nhưng mút tay hay ngậm núm vú giả có thể dẫn tới răng trẻ bị hô sau này.

5) Thói quen đẩy lưỡi là một trong những thói quen xấu gây ảnh hưởng đến tình trạng răng miệng của trẻ. Tật đẩy lưỡi ra trước sẽ làm các răng phía trước, trên và dưới nghiêng ra phía trước và thưa nhau, hậu quả có thể làm trẻ bị hô răng trên và có khi gây cắn hở (do lưỡi đặt vào giữa răng cửa trên và dưới).

6) Một trong những nguyên nhân gây sai vị trí răng ở trẻ nữa là thở bằng miệng . Thở bằng miệng sẽ làm khô niêm mạc miệng dễ gây sâu răng , làm lệch lạc răng và hàm trẻ sẽ bị hô. Tật thở bằng miệng làm hệ thống xương mặt phát triển không cân đối và cũng dễ dẫn đến những rối loạn về khớp cắn.

7) Tật nghiến răng kéo dài xảy ra ở trẻ có thể đưa đến những hậu quả xấu ảnh hưởng tới các hệ thống nhai như răng, cơ, hàm và khớp thái dương hàm. Một số trẻ nghiến siết các răng mạnh đến nỗi làm vỡ men bờ cắn của các răng sữa hoặc gây mòn nhiều răng dẫn đến cắn sâu. Nghiến răng nhiều có thể làm nướu và hàm răng thay đổi, gây đau và rối loạn khớp thái dương hàm, nhiều khi làm nhai khó và há miệng khó , trong trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn đến biến đổi hình dạng khuôn mặt tạo ra vẻ mặt mất cân xứng.

8) Các thói quen cắn móng tay, gặm bút , cắn các vật cứng rất có hại vì sẽ làm cho răng trẻ bị mòn, dễ rạn nứt, mẻ, ê , đau răng và giảm độ ngon miệng khi ăn uống lâu ngày còn có thể làm chết tủy răng và dễ có nguy cơ bị sưng tấy hay nhiễm trùng phần da xung quanh móng gây mất vệ sinh hay dễ nhiễm các bệnh giun sán.

Nói tóm lại, để có bộ răng khỏe, chắc, một hàm răng trắng , đều ,đẹp và một nụ cười xinh tươi, rạng rỡ cho các cháu, các bậc cha mẹ cần phải chăm sóc trẻ có bộ răng sữa thật tốt để giữ chỗ cho bộ răng vĩnh viễn mọc đúng vị trí. Muốn được điều này, chúng ta phải:

  • *Muốn trẻ có hàm răng đẹp, trẻ phải được chăm sóc ngay từ khi mang thai. Dinh dưỡng tốt cho bà mẹ đặc biệt là đảm bảo chất canxi ngay từ lúc mang thai, thực hiện chế độ dinh dưỡng đầy đủ và hợp lý cho trẻ . Trong 3 năm đầu tiên, chế độ dinh dưỡng cân đối rất cần thiết cho sự phát triển một hàm răng khoẻ mạnh. Cần cho trẻ ăn uống đủ chất, trong chế độ ăn nếu thiếu vitamin hay khoáng chất như canxi, fluor (có nhiều trong hải sản) cũng ảnh hưởng đến cấu tạo và sự bền chắc của răng. Sau khi răng đã hình thành, trẻ rất cần fluor để làm men răng cứng chắc, chống đỡ vi khuẩn gây sâu răng. Vì vậy, cha mẹ cần chú ý cho con ăn những thức ăn giàu fluor như cá đặc biệt là cá biển , trứng, sữa tươi, gan.
  • *Thức ăn quá nóng hay quá lạnh đều có hại cho men răng, và sẽ nguy hại hơn nếu chênh lệch nhiệt độ lớn. Sự khác nhau của nhiệt độ ảnh hưởng đến men răng, tạo điều kiện hình thành các kẽ nứt ở men răng.
  • *Phải giữ vệ sinh răng miệng tốt cho trẻ sau các bửa ăn và chăm sóc răng miệng cho trẻ kỹ và đúng cách . Tạo cho trẻ thói quen dùng chỉ tơ nha khoa và đánh răng sau mỗi bữa ăn chính . Khi chọn bàn chải, cần chú ý đến lứa tuổi. Nếu bé mới bắt đầu tập đánh răng, cần mua loại bàn chải có kích thước thật nhỏ, lông bàn chải mềm để không làm tổn thương nướu răng.
  • *Nên sử dụng kem đánh răng có chứa fluor để giúp tăng cường kết cấu men răng và chọn bàn chải đánh răng mềm. Sau khi ăn, nên cho trẻ uống một ít nước lọc để súc miệng, sau đó lau răng bằng khăn mềm hoặc đánh răng cho trẻ.
  • *Khi trẻ đến tuổi thay răng, cha mẹ phải chú ý để nhổ răng cho đúng tuổi để tránh răng vĩnh viễn bị mọc lệch.
  • *Không tự ý mua kháng sinh cho con uống để phòng ngừa tình trạng vàng răng vĩnh viễn do thuốc. Coi chừng tác dụng phụ của thuốc có ảnh hưởng xấu đến răng ví dụ như tetracylline làm vàng men răng rất khó hồi phục.
  • *Hạn chế các thói quen xấu về răng miệng cho trẻ khi mới mắc phải như ăn bánh kẹo thường xuyên, ăn thực phẩm nhiều đường, tránh ăn thực phẩm mềm, dính như bánh kẹo, chất ngọt trước khi đi ngủ, không cho trẻ ăn ngậm , ngậm bình sữa khi trẻ ngủ , ngậm vú giả, mút ngón tay. Nếu trẻ có các tật xấu như mút tay, thở miệng, mút môi...phải điều trị sớm bằng chỉnh nha dự phòng , loại trừ thói quen xấu, để tránh gây ra sự lệch lạc răng hàm không đáng có của hàm răng sau này.

Có thể khẳng định rằng việc đến bác sĩ RHM thường xuyên là điều kiện tiên quyết đối với những bậc cha mẹ mong muốn con mình có hàm răng đẹp. Đi khám Bác sĩ RHM lần đầu tiên khi trẻ được 6 tháng tuổi và khám răng định kỳ đều đặn mỗi 6 tháng một lần để kịp thời đánh giá , phát hiện bất kỳ những dấu hiệu bất thường ở giai đoạn sớm và áp dụng kịp thời các biện pháp phòng ngừa sâu răng. Bác sĩ sẽ giúp bạn phát hiện và chữa trị kịp thời , đồng thời đưa ra lời khuyên hữu ích để bạn chăm sóc răng miệng cho con bạn tốt nhất.

Thạc sĩ BS Nguyễn Quốc Dũng
Phó Trưởng khoa RHM
BV Nhi Đồng 1