Bệnh liên quan vùng miệng

Kết quả của một số nghiên cứu về bệnh tay chân miệng


Nhiều thông tin mới về bệnh tay chân miệng ở trẻ em Việt Nam đã được báo cáo tại Hội nghị khoa học Nhi khoa Việt Nam – Đan Mạch được tổ chức tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 từ ngày 12-13/11/2009. Đây là kết quả từ nhiều công trình nghiên cứu khoa học của bác sĩ và điều dưỡng Bệnh viện Nhi Đồng 1 trong nổ lực cải thiện hơn nữa chất lượng điều trị và chăm sóc bệnh nhi bị bệnh tay chân miệng. Chúng tôi xin tóm tắt những điểm chính như sau:

Sẩn bóng nước ở lòng bàn tay – một dấu hiệu điển hình của bệnh tay chân miệng

1.Bệnh tay chân miệng gặp ở trẻ nam nhiều hơn nữ (nam:60%, nữ 40%). Hầu hết các trường hợp (94%) đều dưới 36 tháng tuổi. 43% trường hợp nhập viện có một trong các biến chứng sau: viêm màng não, viêm não, liệt mền cấp, sốc – trụy tim mạch, phù phổi cấp, liệt dây thần kinh sọ và viêm cơ tim. Trong đó, 10% có biến chứng nặng (viêm não, phù phổi, viêm cơ tim).

2.Kết quả phân tích gen của vi rút gây bệnh cho thấy có nhiều phân nhóm (subtype) và các phân nhóm này thay đổi theo tháng trong năm. Vì vậy, một trẻ đã mắc bệnh tay chân miệng vẫn có thể mắc bệnh lần 2, lần 3 do bị nhiễm một phân nhóm khác của vi rút này.

3.Những bệnh nhi có một trong những yếu tố sau đây: ít bóng nước, sốt cao trên 38,50C, co giật, run chi, nhịp tim nhanh, thở nhanh có nguy cơ cao bị biến chứng nặng như viêm não, phù phổi, viêm cơ tim.

4.Phù phổi cấp là một trong những biến chứng nặng của bệnh tay chân miệng ở trẻ em. Bệnh nhi có biến chứng này thường khả năng tử vong rất cao.

5.Sốt cao, giật mình, hốt hoảng, run chi, nôn ói là các dấu hiệu báo động nhiều khả năng bệnh nhân sẽ có biến chứng. Vì vậy, phụ huynh phải đưa các cháu đến bệnh viện ngay khi thấy các cháu có một trong những biểu hiện trên.

Thanh Nhàn