Bệnh liên quan vùng miệng

Bệnh nấm cổ, mặt


Nấm cổ mặt là những khối u viêm nhiễm gây ra những "hạt" có màu sắc và kích thước khác nhau. Trước đây, tác nhân gây bệnh được cho là cây cỏ, rơm rạ. Thực ra, thủ phạm chính là nấm cohnistrepto thrix hay actinobacte riumisraeli sống trong miệng người.

Các loại nấm trên khi đột biến sẽ chui vào ổ sâu răng hay niêm mạc tổn thương để gây bệnh. Đa số bệnh nấm ở cổ mặt bắt đầu bằng những đợt viêm nhiễm do răng.

Người bệnh thường đau ở vùng sẽ sưng sau này hoặc đau ở trong miệng, nơi gần vùng có răng sâu, hoặc trong xương hay dọc mặt, lan lên khớp thái dương hàm. Đau có thể dữ dội, nhiều hay ít, liên tục từng cơn, thường đau nhiều về đêm. Kèm theo, người bệnh bị cứng hàm, xảy ra sớm và kéo dài.

Bệnh nhân bị sưng nề một vùng mặt, thường là ở má trên, má giữa, nhất là má dưới, gần gốc hàm lan xuống quá bờ dưới xương hàm dưới. Cả vùng da đó gồ thành một mảng, trên có những hòn như hạch, to bằng đầu ngón tay, cách nhau từng rãnh. Vùng da tổn thương cứng, tím, nửa cứng, nửa mềm; được tả là "trung gian giữa cái mềm của nề viêm nhiễm với cái cứng của khối u đặc". Trên vùng nề cứng đó là những hòn nhỏ như áp-xe nóng, đỏ, căng.

Nếu không được điều trị, áp-xe vỡ (rò) để chảy ra một chất nước lẫn máu, hơi dính, với những hạt vàng nhìn rõ bằng mắt thường. Áp-xe ít khi tự liền, với bờ rò hở, gồ ghề có mủ, thường tự kín miệng, rồi lại tự vỡ, từng đợt mạn tính kéo dài. Thể trạng chung của người bệnh ít bị ảnh hưởng. Về biến chứng, có thể sưng hạch phụ lân cận, hoặc hiếm hơn lan lên ổ mắt, vào màng não, sọ, xương...

Điều trị và phòng bệnh: Đầu tiên cần trừ bỏ mọi nguyên nhân trong miệng có thể gây ra nấm hoặc góp phần cho nấm nảy nở, đặc biệt là phải điều trị những răng sâu, viêm cuống răng, tổn thương niêm mạc miệng, họng... tăng cường vệ sinh răng, miệng, họng, mũi... Điều trị đặc hiệu nấm có tổn thương cần phối hợp nhiều mặt: thuốc, phẫu thuật, nạo sạch hay mở rộng áp-xe, có thể phải chạy tia tùy từng trường hợp.

BS Trịnh Thu Hà, Sức Khỏe & Đời Sống