Tin tức nha khoa quốc tế

Nuôi xương hàm ở... lưng



Một bệnh nhân nam, 56 tuổi, người Đức, lần đầu tiên đã ăn lại được đồ cứng sau 9 năm bị mất xương hàm dưới vì bệnh ung thư. Các bác sĩ đã thay cho ông bộ hàm mới, bằng chiếc xương hàm được nuôi trên lưng ông.

Kỹ thuật tiên phong này do nhóm nghiên cứu, đứng đầu là tiến sĩ Patrick Warnke thuộc Đại học Kiel, thực hiện sau hàng loạt các thí nghiệm trên lợn. Đây là lần đầu tiên, các bác sĩ sử dụng chính cơ thể người bệnh để nuôi cấy và tổng hợp phần thay thế cho mô xương bị mất.

Các bác sĩ phẫu thuật đã chụp ảnh 3 chiều khuôn mặt bệnh nhân để tạo ra một khuôn nhỏ làm bằng lưới titan, có hình dạng tương tự xương hàm của người bệnh.

Chiếc khuôn này dần dần được lấp đầy bằng những chất liệu khoáng xương nhỏ xíu, cấy thêm protein xương người và tuỷ xương. Sau cùng, người ta cấy nó vào mô latissimus dorsi trên lưng bệnh nhân, ngay dưới bả vai.

7 tuần sau, xương hàm đã mọc hoàn chỉnh, khung được tháo ra khỏi lưng, cùng với một ít cơ bám kèm, một động mạch và một tĩnh mạch. Người ta cấy nó vào khuôn mặt bệnh nhân. Một tháng sau phẫu thuật, bệnh nhân đã có thể ăn tối với bộ hàm mới không có răng. Cho đến trước đó, ông chỉ sống bằng súp và thức ăn mềm.

Phương pháp thông thường để tái tạo lại bộ hàm bị hư hỏng hoặc bị mất là ghép một mảnh xương lấy chỗ khác trên cơ thể. Quy trình này sẽ để lại một lỗ hổng ở phần bị lấy đi và có thể gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người bệnh. Như với trường hợp trên, người ta sẽ phải lấy một khúc xương lớn, cơ và mạch máu từ phần chân dưới..

Warnke hy vọng rằng, một năm sau ngày ghép, người ta có thể bỏ đi bộ khung bằng titan, và những phần xương mới sẽ lấp đầy và làm phẳng đế, tạo nền tảng cho việc lắp răng giả.

Tuy vậy, chuyên gia về tế bào gốc Australia, tiến sĩ Stan Gronthos thuộc Viện Hanson lưu ý rằng chưa có bằng chứng dài hạn cho thấy bộ hàm tái tạo có công năng khỏe và đàn hồi như hàm thường.

Thuận An (theo ABConline)