Nha khoa trẻ em

Chăm sóc răng ở trẻ bệnh tim

Trẻ bệnh tim nên được chăm sóc răng thường xuyên xuyên

Chải răng, súc miệng hằng ngày

Răng khỏe sẽ giúp bảo vệ sức khỏe bé

1. GIỚI THIỆU

Phải chăm sóc răng ở trẻ bệnh tim vì các lý do sau:

- Thẩm mỹ.

- Đảm bảo chức năng hoạt động của hệ tiêu hoá.

- Phòng ngừa viêm nội tâm mạc nhiễm trùng, là một biến chứng nguy hiểm đến tính mạng thường xảy ra ở trẻ có bệnh tim sau khi bị nhiễm trùng ở vùng răng miệng. Đây là một tình trạng nhiễm trùng máu và tim rất nặng, có thể gây tử vong.

2. PHÒNG NGỪA SÂU RĂNG

2.1. Răng sâu như thế nào?

  • Sâu răng xảy ra khi có sự mất cân bằng giữa quá trình mất khoáng hoá và quá trình tái khoáng hoá trên bề mặt men răng. Khi những chất acid hữu cơ tiếp xúc với bề mặt răng, quá trình sâu răng sẽ bắt đầu.

- Khi ăn đường hoặc chất tinh bột lên men, vi khuẩn có trong những mảng thức ăn bám trên răng sẽ chuyển hoá chúng, sinh ra acid, dẫn tới sâu răng. Những bữa ăn phụ hoặc ăn vặt tạo điều kiện cho thức ăn bám vào răng, quá trình sinh acid sẽ kéo dài, tạo thuận lợi cho quá trình mất khoáng hoá, dẫn tới sâu răng.

- Nước bọt bảo vệ răng khỏi bị sâu, vì nó:

. Giúp lọc nhanh chất tinh bột và những mảnh thức ăn ở miệng

. Giúp lên men những chất tinh bột không hoà tan

. Trung hoà những acid hữu cơ do vi khuẩn sinh ra

. Cung cấp chất khoáng cho quá trình tái khoáng hoá

. Phóng thích chất fluor lên bề mặt men răng

. Ức chế sự phát triển của vi trùng

Như vậy chế độ ăn, vi khuẩn, mảng bám thức ăn, nước bọt và fluor là những yếu tố có vai trò quan trọng trong quá trình sâu răng. Muốn kiểm soát và phòng ngừa sâu răng phải tác động lên các yếu tố này.

2.2. Tại sao trẻ bệnh tim dễ sâu răng?

  • Trẻ có bệnh tim mắc phải hoặc tật tim bẩm sinh thường dễ bị sâu răng vì:

- Trẻ hay bị thiểu sản men răng

- Trẻ phải ăn nhiều bữa do bị suy tim không ăn no trong một bữa như bình thường

- Trẻ uống những thuốc có đường

- Trẻ uống những thuốc ảnh hưởng đến nồng độ và lượng nước bọt

2.3. Phòng ngừa sâu răng cho trẻ bệnh tim như thế nào?

- Bắt đầu phòng

. Từ lúc trẻ 6 tháng tuổi (trước khi mọc răng)

. Ngay khi trẻ được chẩn đoán có bệnh tim

- Cha mẹ hoặc người nuôi trẻ cần biết những điều sau đây:

. Trẻ dễ bị sâu răng vì: phải ăn nhiều bữa, uống những thuốc có đường, những thuốc thay đổi chức năng nước bọt.

. Bú sữa hoặc nước trái cây trong khi ngủ sẽ dễ bị sâu răng.

. Phải kiểm soát chế độ ăn của trẻ.

. Thường xuyên chải răng, súc miệng và súc nước fluor mỗi ngày.

. Khám răng định kỳ mỗi 6 tháng.

3. CHĂM SÓC RĂNG DỰ PHÒNG

  • Trẻ phải được khám răng lần đầu tiên khi trẻ 6-12 tháng tuổi. Dưới đây là những yêu cầu chăm sóc theo tuổi của trẻ:

3.1. Trẻ 6-12 tháng tuổi:

- Chải răng sau khi ăn và trước khi đi ngủ bằng bàn chải lông mềm.

- Cai sữa mẹ hoặc bỏ bú bình khi trẻ 12 tháng tuổi.

- Nói cho cha mẹ biết rằng tổn thương và chấn thương răng thường xảy ra khi trẻ tập đi. Chấn thương răng có thể dẫn tới áp-xe sau đó, cần phải dùng kháng sinh và điều trị đặc biệt dự phòng.

3.2. Trẻ 12-24 tháng tuổi:

- Bắt đầu dùng kem đánh răng để chải răng vào buổi sáng và buổi tối.

- Chải răng hoặc cho trẻ uống nước sau khi uống những thuốc có đường. Không bao giờ cho trẻ đi ngủ ngay sau khi uống những thuốc này.

- Báo cho cha mẹ biết rằng hôn trẻ, ăn uống chung có thể lây truyền vi trùng cho trẻ.

- Khám nha sĩ nhi khoa để được tham vấn về việc dùng fluor phòng sâu răng.

3.3. Trẻ trên 24 tháng tuổi:

- Bắt đầu khám nha sĩ nhi khoa định kỳ mỗi 6 tháng khi trẻ trên 24 tháng để được khám và cạo vôi răng.

- Hạn chế số bữa ăn phụ, 3-4 lần/ ngày, để giảm thiểu số lần răng tiếp xúc với acid.

- Tránh cho trẻ ăn những thức ăn vặt có độ bám dính vào răng cao. Những thức ăn như khoai tây chiên, bánh quy, kẹo... dính vào răng, vi khuẩn trong miệng sẽ chuyển hoá chúng sinh acid trong một thời gian dài, gây sâu răng.

- Khuyên trẻ nên súc miệng hoặc nhai kẹo cao su không đường sau những bữa ăn phụ. Điều này sẽ giúp lấy đi những thức ăn dính vào răng. Nó cũng giúp pha loãng acid được sinh ra sau khi ăn.

- Chải răng 2-3 lần mỗi ngày, sau khi ăn, bằng kem đánh răng có chứa fluor, để lấy đi những mảng bám có chứa vi khuẩn và duy trì một lượng nước bọt giàu fluor. Để tránh cho trẻ nuốt quá nhiều fluor, chỉ nên dùng một ít kem bằng hạt đậu.

- Dùng chỉ nha khoa xỉa răng để lấy đi những mảng bám và vi khuẩn ở các kẽ răng.

- Chải răng hoặc cho trẻ uống nước sau khi uống những thuốc có đường. Không bao giờ cho trẻ đi ngủ ngay sau khi uống những thuốc này.

- Khám nha sĩ nhi khoa để được tham vấn về việc dùng fluor phòng sâu răng.

- Khám nha sĩ nhi khoa để được trám bít những hố rãnh của răng, không để chỗ cho thức ăn bám vào.

- Khám nha sĩ nhi khoa để biết thêm những hướng dẫn đặc biệt về an toàn khi chơi thể thao. Tổn thương hoặc chấn thương răng một khi xảy ra, phải được điều trị kháng sinh dự phòng đặc biệt.

4. PHÒNG NGỪA VIÊM NỘI TÂM MẠC NHIỄM TRÙNG

Đối tượng: hầu hết trẻ có bệnh tim bẩm sinh hoặc bệnh tim mắc phải.

Cách phòng:

- Dùng kháng sinh uống hoặc chích trước và sau khi tiến hành các thủ thuật hoặc phẫu thuật trên bệnh nhi.

- Nếu phải nhổ nhiều răng, thì 2 lần nhổ phải cách nhau ít nhất 7 ngày.

- Uống hoặc chích kháng sinh trước thủ thuật hoặc phẫu thuật 30 phút – 1 giờ và sau thủ thuật hoặc phẫu thuật 6 giờ.

- Kháng sinh sử dụng: Amoxycillin, Penicillin, Erythromycin, Ampicillin, Gentamycin, Vancomycin được bác sĩ chỉ định tùy tình huống.

TS BS Vu Minh Phúc
Trưởng Khoa Tim mạch BV Nhi Đồng 1