Tin tức nha khoa quốc tế

Khảo cổ: Nhìn răng, biết người xưa



Nhờ một công nghệ mới có thể phân tích các thành phần thức ăn còn bám lại trên răng, những chiếc răng còn nguyên cao răng của người tiền sử sẽ là một kho tư liệu sinh học quý giá cho các nhà khoa học.

khaoco.jpg

Tìm lại dấu tích người xưa qua các di chỉ khảo cổ. (Ảnh minh họa từ www.civilization.ca)

Phương pháp này đã giúp khám phá những bí ẩn xung quanh về những món ăn ưa thích của người Braxin cổ đại thường sống ven biển trước đây.

Sabine Eggers, đồng tác giả của nghiên cứu chỉ ra phương pháp phân tích này cho biết, khả năng thành công của kết quả phân tích các mẫu cao răng của người cổ đại đã từng sinh sống ở các vùng nhiệt đới là rất cao.

Eggers là nhà nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm Di truyền học (Biological Anthropology Laboratory) của Đại học Sao Paulo, Braxin.

Sau khi nhận được tài trợ của Hội đồng Fulbright (Fulbright Commission), cô cùng các đồng nghiệp Celia Boyadjian và Karl Reinhard đã tìm ra được phương pháp phân tích cao răng mới.

Phương pháp này sử dụng "dung dịch nha khoa" (dental wash) có axit HCl 4% là thành phần chủ yếu.

Phát hiện của họ đã được công bố trên Tạp chí Khoa học khảo cổ (Journal of Archaeological Science).

Eggers cho biết những mẫu cao răng cổ có thể cho biết những loại thức ăn mà người ta đã ăn vào nhiều ngày hay nhiều tuần trước khi chết.

Bằng chứng cho rằng một vài tộc người tiền sử cũng biết vệ sinh răng miệng bằng cách dùng những thức ăn giàu chất xơ và những mảnh sò vụn, nhưng một số tộc người khác lại chọn cách đơn giản hơn là không cần làm gì cả.

Để kiểm nghiệm chất tẩy rửa nha khoa này, các nhà khoa học đã tập trung vài mẫu răng thu được từ các thi thể người Braxin được chôn cất từ 2800 đến 1805 năm trước.

Những thi thể đó được khai quật tại khu vực bờ biển phía đông nam có tên là Sambaqui Jabuticabeira II. Khu vực này có nhiều đống lớn từ những mảnh vỏ sò vụn và những mảnh vỡ khác có nguồn gốc từ hoạt động của con người.

Các nhà nghiên cứu phải quay (tròn) những mẫu răng để làm bung những mảng cao răng. Để tách biệt những thành phần trong cao răng, họ phải lọc lấy cao răng và cho vào một chiếc máy li tâm.

Họ tìm thấy ba loại vi chất hóa thạch. Loại phổ biến nhất là chất tinh bột từ những cây thân củ. Các nhà nghiên cứu cũng tìm thấy loại tảo diatom (rất nhỏ, chỉ có thể nhìn thấy qua kính hiển vi) là nguồn thức ăn chính của các sinh vật biển, và phytoliths, thành phần khoáng chất từ thực vật.

Hai mẫu vi chất hóa thạch đầu tiên đó cho thấy những bữa ăn cuối cùng của người tiền sử gồm có động vật giáp xác và một số loại cây thân củ.

Mặc dù chất tẩy nha khoa này có hiệu quả, nhưng nó lại làm những mẫu răng cổ trở nên giòn, dễ vỡ, còn một số khác bị tẩy trở nên trắng bóc.

Các nhà nghiên cứu hy vọng trong thời gian tới công thức của dung dịch rửa này cần cải tiến tốt hơn. Họ cũng cho rằng các thành phần cao răng cần được tách ra bằng sóng âm thanh.

*
Mạnh Đức (Theo Discovery News)