Nha khoa trẻ em

Chăm sóc trẻ trong giai đoạn mọc răng


Trong bài viết trước, chúng tôi đã giới thiệu đến các bạn những ý kiến của Thạc sĩ Bác sĩ Nguyễn Quốc Dũng, Phó trưởng Khoa Răng Hàm Mặt Bệnh viện Nhi Đồng 1 về quá trình mọc răng của trẻ nhỏ. Tiếp theo, ThS BS Nguyễn Quốc Dũng sẽ chia sẻ với các bạn về cách chăm sóc trẻ trong giai đoạn mọc răng.

Khi mọc răng sữa, trẻ thường có một số triệu chứng như sau:

  • Khi mọc răng, trẻ có thể biểu hiện một vài rối loạn trong cơ thể, ví dụ : trẻ mệt mỏi, rất quấy, hay khóc, ít ngủ, dễ kích động khi mọc răng , bứt rứt khó chịu và hay làm nũng cha mẹ. Một số trẻ hay chảy nhiều nước miếng và hay gặm thứ gì đó cũng là những biểu hiện thường thấy.Khi dồn năng lượng cho việc mọc răng, sức bảo vệ cơ thể yếu đi nên trẻ dễ bị cảm, rối loạn tiêu hóa.
  • Vào thời kỳ này hoặc sớm hơn, trẻ thường bị sốt nhẹ và đôi khi còn kèm theo đi ngoài phân lỏng.
  • Trước khi răng nhú lên, nướu có thể bị sưng, viêm tấy đỏ, có khi bị loét. Nướu sưng đỏ làm trẻ luôn có cảm giác ngứa ngáy, khó chịu tại chỗ răng nhú lên,trẻ thường cho ngón tay, đồ chơi hay bất kỳ vật gì có trong tay vào miệng để cắn, những triệu chứng nầy thường xảy ra trước khi răng nhú lên 3-5 ngày. Ngoài ra, để răng mọc được, nướu phải nứt ra gây đau cho trẻ và rất có thể bị nhiễm trùng răng miệng . Những triệu chứng này khiến trẻ hay quấy khóc nhiều hơn và lười ăn uống , thậm chí có trẻ sút cân.
  • Có rất nhiều bậc phụ huynh không để ý đến dấu hiệu mọc răng của trẻ , nên khi thấy trẻ biếng ăn và quấy khóc thường cho trẻ uống các loại men tiêu hoá và thuốc bổ. Điều này khiến các bậc cha mẹ trẻ đôi khi mất bình tĩnh và không xử trí tốt được việc chăm sóc trẻ.

Những lúc như vậy, cha mẹ trẻ cần giữ bình tĩnh và đưa trẻ đến bác sĩ RHM ở các bệnh viện Nhi để được điều trị giúp giảm các triệu chứng khi mọc răng. Các dấu hiệu này thường xuất hiện rồi tự hết trong vòng 3-7 ngày .Tất cả những biểu hiện đó chỉ là quá trình sinh lý bình thường.

Những vấn đề cần lưu ý để chăm sóc trẻ thật tốt trong giai đoạn mọc răng :

1) Có thể làm dịu cho trẻ tạm thời bằng cách cho một vật nhẹ, mềm để trẻ cắn lên ( như vòng mọc răng, ngậm núm vú giả bằng cao su ). Nếu cảm thấy các bé đau dữ dội có thể đến tư vấn khám Bác sĩ chuyên khoa răng - hàm - mặt các bệnh viện nhi.

2) Nếu trong thời gian mọc răng sữa, trẻ sốt tới 38,5 độ C trở lên và đau nhiều , bạn có thể dùng Paracetamol để hạ sốt và giảm đau, liều lượng 10-15 mg / kg cân nặng, cứ 4-6 giờ cho uống một lần. Không được để trẻ sốt quá cao.

Lau sạch nước dãi quanh miệng trẻ bằng khăn mềm

3)Cùng với sốt nhẹ, trẻ chảy nước bọt nhiều, thường đưa tay vào miệng cắn hoặc dùng lưỡi liếm vùng nướu phía trước. Cần chú ýý giữ vệ sinh răng miệng cho trẻ thật tốt. Thường xuyên lau sạch nước miếng hay chảy quanh miệng trẻ bằng khăn mềm. Nhớ luôn luôn làm sạch nướu sau khi cho trẻ bú hoặc ăn. Dùng một miếng gạc hoặc vải mềm nhúng nước sạch quấn quanh ngón tay lau nhẹ nhàng và massage nướu .Nên cho trẻ uống nước lọc sau khi bú hoặc ăn dặm xong.

4) Chú ý cho trẻ uống nhiều nước. Điều này đặc biệt quan trọng vì tiêu chảy nhiều khiến trẻ dễ mất nước.

5) Nên cho trẻ ăn các thức ăn mềm để trẻ ăn uống dễ dàng , thức ăn quá nóng hay quá lạnh đều không có lợi cho sự phát triển của răng trẻ. Ngoài ra cũng cần bổ sung thêm cho trẻ hàm lượng canxi trong thành phần các bữa ăn hàng ngày.

6) Tính cách trẻ sẽ thay đổi hay quấy khóc, cáu gắt, không muốn chơi . Hãy kiên nhẫn dỗ dành trẻ, tạo môi trường vui thích cho trẻ với những đồ chơi mà trẻ thích. Sự quan tâm kịp thời của người lớn sẽ làm dịu nỗi đau của trẻ.

7) Mọc răng không làm cho trẻ ốm , thường trẻ có thể nóng nhẹ hay tước trong 1-2 ngày, nếu trẻ sốt cao, nôn ói hay tiêu chảy không bao giờ là do mọc răng cả, bạn cần đưa trẻ đi bác sĩ ngay để được khám bệnh. Hãy mang trẻ đến bác sĩ nếu tình trạng quấy khóc, không chịu ăn kéo dài trong nhiều ngày và trẻ có nguy cơ sụt cân..

Thạc sĩ BS Nguyễn Quốc Dũng
Phó Trưởng khoa khoa RHM BV Nhi Đồng 1