Chỉnh hình răng hàm mặt

Thay đổi nụ cười bằng kỹ thuật nha khoa hiện đại


Cắt xương hàm chữa móm.

  • Chị Mai Trang (32 tuổi, ngụ tại quận 3 TP HCM) không mấy tự tin vì bị móm bẩm sinh. Tuy nhiên, nhược điểm này đã biến mất khi các bác sĩ bệnh viện Răng hàm mặt phẫu thuật cắt xương hàm dưới cho chị.

Một tuần sau khi phẫu thuật, chị Trang xuất viện. Đến nay sau gần 3 tháng, chị đã ăn uống bình thường và không còn mặc cảm bị trêu ghẹo nữa.

Chị Trang là một trong khoảng 30 bệnh nhân đã được bệnh viện Răng hàm mặt phẫu thuật chỉnh hình xương hàm để chữa hô hoặc móm. Thông thường, các trường hợp răng lệch lạc, hô hoặc móm sẽ được chỉnh nha bằng cách mang khí cụ như mắc cài răng hoặc niềng răng... Tuy nhiên, với trường hợp hô hoặc móm do xương hàm, việc chỉnh răng bằng khí cụ thông thường không hiệu quả; bệnh nhân sẽ được cắt xương hàm trên hoặc dưới để đưa hàm về vị trí thích hợp.

Trước tiên, bác sĩ sẽ lấy mẫu xương hàm của bệnh nhân trên thạch cao và điều chỉnh xương hàm trên mẫu, sau đó sẽ tiến hành phẫu thuật cắt xương dựa theo mô hình mẫu này. Bác sĩ Nguyễn Chí Cường, Phó khoa Hàm mặt nhận định, đây là loại phẫu thuật chỉnh hình lớn trong ngành răng hàm mặt, tương đương với điều trị kết hợp xương trong chấn thương hàm mặt. Vì vậy, sau 7-10 ngày, bệnh nhân mới có thể ăn đồ nhẹ. Tuy nhiên, việc phẫu thuật chỉnh hình không làm giảm sức nhai hoặc có ảnh hưởng nào cho bệnh nhân. Ưu điểm của phẫu thuật chỉnh hình là thời gian điều trị nhanh, chỉ trong vòng một tuần so với chỉnh hình bằng khí cụ (thường kéo dài từ 6 tháng đến 2 năm).

Phục hồi nướu bằng ghép nướu tự thân

  • Các bác sĩ răng hàm mặt cũng đã áp dụng kỹ thuật ghép nướu tự thân để phục hình thẩm mỹ nướu cho những trường hợp bệnh nha chu hoặc người lớn tuổi có nướu răng bị tụt làm lộ chân răng. Phương pháp này chưa được phổ biến do bệnh nhân còn chưa quan tâm đến việc chăm sóc nướu và thẩm mỹ của nướu.

90% trường hợp viêm nha chu là do những mảng bám (vôi răng) gây ra làm tụt nướu, khiến răng bị lung lay và dễ bị rụng khi ăn nhai. Những trường hợp viêm nha chu nặng sẽ gây teo nướu không hồi phục được. Bác sĩ Huỳnh Đại Hải, Giám đốc bệnh viện Răng hàm mặt cho biết, trước đây, bệnh chỉ có thể điều trị bằng cách nạo túi nha chu, chữa viêm; nghĩa là chỉ khắc phục được tình trạng viêm chứ không phục hồi được nướu răng. Với phương pháp ghép nướu tự thân, bác sĩ lấy một mảng nướu răng vùng vòm miệng ghép lên vùng răng bị tiêu ở phía ngoài. Việc phục hồi nướu càng sớm vừa giúp giữ thẩm mỹ cho nụ cười vừa tái tạo vùng nướu bảo vệ răng.

Thời gian thực hiện ghép nướu tự thân kéo dài 30-45 phút. Sau 7 ngày, bệnh nhân có thể phục hồi hoàn toàn; vết thương trên nướu nhỏ và mờ, hầu như không đáng kể.

Xỉa răng bằng tăm cứng sẽ gây tổn thương nướu

  • Theo bác sĩ Nguyễn Chí Cường, các loại tăm cứng bán trên thị trường (tăm tre tròn, tăm dẹp, tăm gỗ) thường không đạt tiêu chuẩn nha khoa vì làm tiêu nướu. Chưa kể trường hợp mảnh tăm bị kẹt trong nướu làm thành ổ mủ gây viêm nướu và làm răng lung lay. Điều tệ hại nhất của việc xỉa răng là đã dùng tăm thì phải dùng suốt đời do nướu răng bị tiêu, tạo thành khe hở làm thức ăn bị đọng lại. Khi kẽ hở răng lớn, ngay cả việc chải răng vẫn không giúp loại được thức ăn đã bám.

Bác sĩ Cường khuyên, nếu muốn dùng tăm tre, phải tước thật nhỏ và thật mỏng. Tốt nhất, nên có thói quen chải răng sau khi ăn hoặc xỉa răng đúng cách bằng chỉ nha khoa. Cần chăm sóc răng và nướu như nhau bằng bàn chải mềm, vừa giúp chăm sóc răng vừa massage nướu.

* Tên bệnh nhân trong bài đã được thay đổi.

(Theo Người Lao Động)