Nha khoa trẻ em

mẹ phải chăm sóc răng miệng cho trẻ như thế nào?


Châm ngôn của Tổ chức SK thế giới thập niên 1990 là:

"Chăm sóc răng trẻ em hôm nay là sức khoẻ cho ngày mai"

  • Việc chăm sóc răng miệng cho bé phải bắt đầu ngay từ lúc mới mang thai, vì ngay từ những tuần lễ đầu của bào thai, mầm răng sữa đã tượng hình. Bà mẹ phải ăn đủ chất dinh dưỡng gồm các sinh tố và khoáng chất giúp cho răng ngấm chất vôi tốt. Ngay sau khi sanh, đứa bé đã có đủ bộ răng sữa nằm bên dưới 2 hàm, nhưng sự vôi hóa chưa hoàn tất phải chờ đến tháng thứ 6 (Trung bình là tháng thứ 8) răng cửa sữa đầu tiên mới mọc và cho đến 2 tuổi Bé mới có đầy đủ bộ răng sữa (20 cái).
  • Khi răng đã mọc trên hàm rồi thì việc vôi hóa đã hoàn tất, răng không còn hấp thu thêm chất vôi nữa và cũng không thể làm cho nó cứng chắc thêm được. Nếu bà mẹ thấy còn mình có men răng yếu, dễ bị sâu thì lúc đó đã trễ, vì trong lúc răng chưa mọc ,còn là mầm răng , thức ăn và dinh dưỡng của bà mẹ chưa tốt nên sự vôi hóa răng không hoàn tất khiến cho răng bị yếu bẩm sinh.

Ngay từ những răng sữa đầu tiên mọc trên hàm đến khi đủ 20 răng sữa bà mẹ phải biết tự chăm sóc và vệ sinh răng miệng cho bé. Sau khi cho bú xong phải lau sạch răng bé bằng nước ấm bằng cách quấn gòn hoặc gạc trên ngón tay và chà lên răng của bé. Vì trong sữa có đường nên phải làm sạch miệng của bé, không để sữa đọng trên răng sẽ làm sâu răng.

  • Bé lớn hơn nữa, đến 4 tuổi biết tự chải răng, bà mẹ phải biết lựa bàn chải mềm của trẻ con, dạy bé tự chải răng của mình. Nếu có đi học ở mẫu giáo, ngay từ lớp lá (3 tuổi) cô giáo đã dạy bé biết cách chải răng.
  • Từ 3 tuổi trở đi , răng bé rất dễ bị sâu, phải đưa bé đi khám răng. Nếu trường học có phòng Nha học đường thì các Y Sĩ răng trẻ em sẽ phụ trách khám và điều trị răng sâu cho bé. Nếu ở nhà thì đưa bé đến phòng nha cho BS RHM khám.

Không tập cho bé có thói quen ngậm núm vú cao su vì hàm răng sẽ bị hô.

Ngoài ra còn một số thói quen xấu của trẻ có ảnh hưởng đến hàm răng mà bà mẹ nên biết để phòng tránh.

  • Từ 6 tuổi bé đã bắt đầu có răng vĩnh viễn mọc để thay thế răng sữa và đến 12 tuổi thì bé có 28 răng vĩnh viễn hoàn tất. Răng hàm cuối cùng là răng khôn mọc rất trễ từ 17 - 25 tuổi.
  • Việc chăm sóc răng miệng là suốt đời do đó lúc nhỏ Bà mẹ phải chú ý chăm sóc cho con của mình, khi lớn lên tuổi đi học trẻ đã biết tự giữ gìn răng, đến tuổi trưởng thành , người lớn cũng phải duy trì và bảo tồn răng cho đến tuổi già.
  • Con số 6, và nhiều số 6 sẽ theo chúng ta suốt cuộc đời. Người nào đến 60 tuổi mà vẫn còn đủ 4 răng số 6 trên hàm ( hay là 4 răng hàm thứ I, vĩnh viễn mọc lúc 6 tuổi) sẽ là người đáng tự hào mình đã có răng tốt.

Răng hàm thứ I (hay răng cối vĩnh viễn thứ I) mọc vào lúc 6 tuổi, lúc đó em bé chưa thay răng, vì răng số 6 là răng mọc lên phía sau các răng hàm sữa và không thay cho răng sữa nào cả. Do răng mọc rất sớm, nên nhiều phụ huynh cứ tưởng đó là răng sữa mà không chú ý chăm sóc, đến khi răng có lổ sâu nặng thì quá trễ. Nhiều răng hàm vĩnh viễn mới mọc lên vài tháng đã bị sâu và phải nhổ sớm rất oan uổng.

Bà mẹ cần chú ý đến các số 6 như sau:

* 6 tuần lễ đầu của bào thai: bà mẹ phải chú ý dinh dưỡng cho đủ chất bổ và sinh tố cho các mầm răng sữa mới tượng hình

* 6 tháng tuổi sau khi sanh: khi các răng sữa đầu tiên mọc trên hàm, Bà mẹ đã phải lo chăm sóc răng cho bé, vì đã có răng thì sẽ có sâu răng nếu không chú ý phòng bệnh

* 6 tuổi: răng hàm vĩnh viễn thứ I đầu tiên mọc trên hàm, nhiều bà mẹ không chú ý và lầm tưởng đó là răng sữa. Nhiều người không biết đó là răng vĩnh viễn, nên khi thấy sâu thì nghĩ đơn giản là sẽ nhổ và răng khác sẽ mọc lên thay thế!!!.

* 60 tuổi: khi đã lớn tuổi thì bệnh nha chu sẽ tấn công nhiều hơn, bệnh sâu răng sẽ nặng hơn. Nếu lúc trẻ chúng ta coi thường và không chăm sóc răng miệng kỹ thì đến tuổi nầy răng rụng nhiều phải mang hàm răng giả để thay thế các răng đã mất.

Bs.Trần Ngọc Đỉnh