Nha khoa người cao tuổi

Chăm sóc răng miệng ở người cao tuổi


Người ta thường quan niệm sai lầm là đã về già thì răng phải rụng và chăm sóc miệng là không cần thiết. Điều đáng tiếc này đã làm cho nhiều người già cảm thấy không được thoải mái, thậm chí đến mức bệnh tật. Do vậy, việc đánh răng ngày hai lần với kem đánh răng có fluor, xỉa răng bằng chỉ tơ nha khoa hàng ngày, khám định kỳ ở các phòng khám răng hàm mặt để được kiểm tra và làm sạch răng, đó là việc cần thiết thông thường để giữ sức khỏe răng miệng đối với người cao tuổi. Tuy nhiên với người cao tuổi, cho dù đánh răng và xỉa răng bằng chỉ tơ nha khoa kỹ lưỡng, vẫn có thể nhận thấy miệng mình trở nên khô hơn, nướu như bị teo tụt xuống.

  • Răng dù được chăm sóc tốt vẫn có thể bị hơi vàng đi, giòn và dễ vỡ. Nhiều người cao tuổi có thể giữ răng được đến hết đời. Tuy nhiên, vì nước miếng trở nên ít đi khó rửa bớt vi khuẩn, răng và nướu trở nên dễ bị sâu và nhiễm trùng. Nếu không giữ được răng, nên dùng răng giả thay thế để có thể ăn uống đầy đủ.
  • Nhiều người bị chứng khô miệng (xerostomia), có thể dẫn đến sâu răng, nhiễm trùng... Khô miệng cũng có thể làm khó nói chuyện, khó nuốt, khó ăn... Ung thư miệng cũng có thể xảy ra ở người cao tuổi, vì vậy nên định kỳ kiểm tra ở nha sĩ để có thể phát hiện sớm.

Sâu răng, làm mủ chân răng rất thường gặp ở người lớn tuổi. Sự nhạy cảm còn làm cho vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn. Với tuổi tác, nướu răng teo lại làm lộ ra phần chân răng không có men răng bảo vệ. Những vùng răng này có thể rất nhạy cảm, dễ bị đau khi ăn thức ăn, uống thức uống quá nóng hay quá lạnh, hoặc quá chua hay quá ngọt.

Các bệnh thường gặp ở tuổi già như tiểu đường, tim mạch, ung thư... cũng có ảnh hưởng đến răng miệng. Vì vậy người cao tuổi cần cho các nha sĩ biết những bệnh đang mắc phải để được chỉ dẫn chính xác hơn.

  • Người lớn tuổi thường cần đến răng giả. Nên theo đúng các hướng dẫn của thầy thuốc về sử dụng răng giả. Người mang răng giả lâu dài cần được kiểm tra hàng năm.

Các bệnh về nướu thường có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng đặc biệt nghiêm trọng ở tuổi trên 40. Có một số nguyên nhân có thể làm cho bệnh trở nên trầm trọng hơn như: dinh dưỡng kém, bị các bệnh như tiểu đường, tim mạch và ung thư. Những yếu tố như hút thuốc, stress, một số loại thuốc... cũng có thể ảnh hưởng đến tình trạng của nướu. Các tổn thương nướu có thể chữa được, vì vậy người cao tuổi cần quan tâm phát hiện sớm. Tốt nhất là nên giữ vệ sinh răng miệng kỹ lưỡng.

Chăm sóc răng thật

  • Cần đánh răng ít nhất mỗi ngày một lần để gột sạch các thức ăn thừa dắt răng. Đánh răng cần thực hiện từ gốc đến đỉnh răng chứ không chỉ đánh mỗi hai mặt răng. Cao răng nên được lấy bỏ định kỳ để tránh gây bệnh cho lợi. Có thể dùng sợi dây mảnh, chắc cọ qua lại giữa các kẽ răng. Lần đầu có thể có chảy máu nhẹ nhưng sau đó lợi trở nên khỏe mạnh hơn và không chảy máu nữa.

Thức ăn nên sử dụng những loại cần phải nhai, vì đây là một hình thức luyện tập cho răng và lợi. Nói chung dùng loại thức ăn này tốt hơn cho răng, lợi so với dùng thức ăn quá mềm, lỏng.

Nếu thấy có hiện tượng gì không bình thường xảy ra với răng thì cần nhanh chóng đi khám nha sĩ, vì cho dù tuổi đã cao nhưng răng của người già vẫn có thể bảo tồn được nếu điều trị kịp thời.

Chăm sóc răng giả

  • Nhiều người già không thích dùng răng giả vì họ cảm thấy không thoải mái, không thể ăn được một số món ăn, răng giả còn làm ảnh hưởng tới giọng nói và vẻ mặt.

Răng giả cần được chế tác riêng cho mỗi người và phải do chuyên gia nha khoa làm nhằm đảm bảo vừa khít và thích hợp. Nếu xuất hiện loét lợi khi đeo răng giả thì cần nhanh chóng chỉnh lại vị trí của hàm răng và chỉ đeo một thời gian ngắn là các cụ sẽ quen dần và không còn thấy vướng víu, ngượng ngập nữa.

  • Răng giả cần được vệ sinh bằng nước lạnh hàng ngày, cọ rửa bằng bàn chải và thuốc đánh răng. Về đêm nên tháo răng giả ra để cho lợi được nghỉ ngơi, còn răng thì ngâm vào nước sạch.

Có một số người, sau khi mắc một số bệnh khiến lợi có thay đổi và răng giả đang dùng trở nên không thích hợp như trước. Nếu gặp tình trạng này, các cụ cần báo với nha sĩ để chấn chỉnh chứ không nên bỏ hẳn răng giả.

Giữ sạch miệng

  • Để giữ cho miệng khỏe mạnh cần có chế độ ăn uống tốt, đầy đủ chất dinh dưỡng. Nên tránh các thức ăn ngọt, dính. Nên dùng các loại thực phẩm như trứng, đậu, thịt và rau xanh, đặc biệt lưu ý dùng những loại quả như cam, chanh, cà chua vì chúng chứa rất nhiều vitamin. Hàng ngày cần uống đủ lượng nước cần thiết. Nên ăn một số loại thức ăn rắn hơn bình thường một chút, điều này rất có lợi cho việc tiết nước bọt, làm sạch miệng hoặc có thể uống thêm nước chanh cũng có tác dụng làm sạch miệng. Tốt nhất là người cao tuổi không nên hút thuốc lá.

Chăm sóc răng khi có bệnh

  • Vào lúc mắc bệnh, nhất là khi có sốt, miệng thường cảm thấy nhạt, đắng, lưỡi tưa, có thể có loét mặt trong má, nên để các cụ súc miệng bằng dung dịch muối hoặc Soda vài lần trong ngày để giữ miệng sạch, phòng nhiễm khuẩn. Dùng kem chứa vaseline bôi môi để phòng khô và nứt môi.

Ở những người tuổi rất cao hoặc những người đang dùng kháng sinh có thể có các ổ loét do nấm, chúng có mầu trắng và thường nằm trên lưỡi hoặc mặt trong má, trường hợp nặng còn có thể lan xuống họng. Gặp tình trạng này, tốt nhất là đưa các cụ đi khám, vì rất có thể các cụ phải dùng tới thuốc kháng nấm.

  • Đặc biệt ở những bệnh nhân bị đột quỵ hoặc bệnh Pakinson, do cơ yếu họ không thể nhai và đảo thức ăn kỹ được, thức ăn thường đọng bên má nên việc chăm sóc răng miệng là vô cùng quan trọng. Nếu bệnh nhân không thể tự súc miệng thì người chăm sóc có thể dùng bàn chải, khăn, đũa... giúp các cụ làm sạch răng miệng, tránh để có mùi khó chịu. Với những cụ có hiện tượng chảy dãi tự do sau khi mắc một số bệnh thì tốt nhất là sắm cho cụ loại bình hứng dãi.