Nha khoa trẻ em
Câu chuyện của răng – Phần 1
- Trong loạt bài liên quan đến sức khỏe răng miệng của trẻ, chúng tôi sẽ lần lượt giới thiệu đến các bạn câu chuyện của những chiếc răng qua lời kể của Thạc sĩ Bác sĩ Nguyễn Quốc Dũng, Phó Trưởng Khoa Răng Hàm Mặt Bệnh viện Nhi Đồng 1. Từ khi những mầm răng sữa bắt đầu hình thành trong bụng mẹ, đến quá trình mọc những chiếc răng sữa đầu tiên ra sao, sự thay răng vĩnh viễn diễn ra như thế nào.
- Song song đó là những bài học lý thú, làm thế nào để có hàm răng chắc khỏe và nụ cười rạng rỡ
Tại sao bé cần một hàm răng trắng, đẹp và khoẻ mạnh?
- Một việc rất quan trọng mà các bậc cha mẹ có thể làm được cho con mình là chuẩn bị và chăm sóc cho trẻ có bộ răng chắc, khỏe, đẹp và nụ cười xinh tươi để có được sức khỏe răng miệng thật tốt.
- Chắc chắn ai trong chúng ta cũng mong muốn con mình có hàm răng đẹp, trắng và đều.
- Tầm quan trọng của một hàm răng, mái tóc đã được đề cao qua câu nói của người xưa từng nói: "Cái răng, cái tóc là góc con người", chính vì thế mà một người sở hữu nụ cười đẹp là đang sở hữu một tài sản quý giá. Mọi người đều mong muốn có một nụ cười tỏa sáng rạng rỡ với hàm răng đều tăm tắp, nhưng chẳng phải tự nhiên khi sinh ra tất cả chúng ta đều toại nguyện được như vậy.
- Một hàm răng trắng ,đều , đẹp và khoẻ mạnh sẽ góp phần tạo nên vẻ đẹp thẩm mỹ cho khuôn mặt trẻ, giúp cho trẻ khuôn mặt khả ái và nụ cười xinh tươi khiến trẻ tự tin hơn lên và cười nhiều hơn.
- Tình trạng răng miệng cũng là một yếu tố quan trọng góp phần không nhỏ vào sức khỏe chung. Răng là cửa ngõ đầu tiên cho sự tiêu hóa, nuôi dưỡng cơ thể. Răng sẽ giúp trẻ nhai nghiền thức ăn tốt nhờ đó mà trẻ hấp thụ được nhiều chất dinh dưỡng. Trẻ có sức khỏe răng miệng tốt sẽ khỏe mạnh hơn, phát triển thể chất tốt hơn, đồng thời sự phát triển trí tuệ cũng như khả năng đọc, phát âm hoàn thiện hơn những trẻ có sức khỏe răng miệng kém.
Cấu tạo của răng sữa và quá trình thay răng của trẻ diễn ra như thế nào?
- Trong bụng mẹ, mầm răng sữa hình thành trong bào thai, từ bốn tháng trở đi , các mầm răng sữa bắt đầu được vôi hóa, hiện tượng này tiếp tục cho đến khi bé được mười tháng tuổi. Qua quá trình đó, chúng ta thấy sức khỏe và nguồn dinh dưỡng đầy đủ của người mẹ khi mang thai và của trẻ từ khi sinh ra cho đến khi được mười tháng tuổi ảnh hưởng đến cấu tạo của bộ răng sữa. Các chất dinh dưỡng mà người mẹ tiêu thụ cần đầy đủ cho sự cấu tạo và tăng trưởng của thai nhi. Đặc biệt người mẹ cần tăng số lượng calcium trong thực phẩm lên khoảng 1200mg mỗi ngày để giúp thai nhi tạo mầm răng. Thiếu calcium trong thời kỳ tạo răng và tạo xương hàm đều đưa tới răng kém phẩm chất hay không hoàn hảo.
- Người mẹ cũng cần gia tăng sinh tố D để calcium dễ được ruột hấp thụ. Thiếu sinh tố D, men răng xấu, có vết rạn dễ đưa tới hư răng. Sinh tố A để tạo chất keratin cho men răng .Thiếu sinh tố A làm men răng nứt, xương hàm kém phát triển khiến cho răng mọc không đúng vị trí.
- Bộ răng sữa đã bắt đầu hình thành từ trước khi trẻ được sinh ra. Khi được 6 tháng tuổi, răng sữa đầu tiên mọc trên cung hàm là các răng cửa giữa hàm dưới, và ngay sau đó thì mọc các răng cửa giữa hàm trên.
- Toàn bộ 20 răng sữa gồm 10 răng hàm trên và 10 răng hàm dưới mọc đầy đủ trên cung hàm lúc trẻ được 24-30 tháng. Mỗi hàm gồm 2 răng cửa giữa, 2 răng cửa bên, 2 răng nanh, 2 răng hàm nhỏ và 2 răng hàm lớn. Bộ răng sữa tồn tại trong khoảng 10 năm và sau đó được thay thế dần dần bởi các răng vĩnh viễn.
- Khi trẻ được khoảng 6 tuổi thì những răng vĩnh viễn đầu tiên sẽ mọc. Chiếc răng vĩnh viễn đầu tiên mọc ở cuối hàm lúc trẻ khoảng 6-7 tuổi . Đây là răng dễ sâu nhất vì nó mọc sớm nhất.
Từ khoảng 6 đến 12 tuổi thì trẻ có cả răng sữa và răng vĩnh viễn.
Đến năm 12 tuổi thì trẻ mang toàn răng vĩnh viễn, tất cả răng vĩnh viễn trừ răng khôn đều đã mọc.
ThS BS Nguyễn Quốc Dũng
Phó Trưởng khoa RHM BV Nhi Đồng 1