Bệnh sâu răng

Sâu răng là gì?


  • Bệnh sâu răng có từ xa xưa, ngành khảo cổ học phát hiện xương và răng hoá thạch của loài người cho thấy thời thượng cổ loài người không có bệnh sâu răng. Từ 10.000 năm trước công nguyên ( 10.000 AC) người ta đã có sâu răng.

Bệnh sâu răng gắn liền với chất đường, tinh bột và sản phẩm có đường, vì vi khuẩn lên men chất đường và bột tạo thành axít phá huỷ răng. Người tiền sử chỉ ăn thịt sống nên không có sâu răng. Từ khi loài người biết trồng cây, ăn lúa mì,lúa gạo có chất đường thì mới có bệnh sâu răng. Loài ăn thịt sống như chó,mèo không có sâu răng.

Ngày trước, sâu răng là gắn liền với nền văn minh, khi mà khoa học chưa tìm ra nguyên nhân gây sâu răng, và chưa có biện pháp phòng ngừa thì những quốc gia nào có nền công nghiệp thực phẩm cao, sử dụng nhiều đường để làm bánh kẹo thì bệnh sâu răng trầm trọng hơn những nước tiêu thụ ít đường. Người dân Esquimo ở Bắc Cực và thổ dân da đỏ ngày trước sống xa xa thành thị và nền văn minh kém hơn các nước Âu Mỹ thì tỷ lệ bệnh sâu răng rất thấp (2 phần ngàn). Trong khi Châu Âu và Mỹ ở giữa thế kỹ 20 (trong các thập niên 1940-1950) tỷ lệ sâu răng rất cao gần như 100% và trung bình một người dân trưởng thành có từ 5 đến 8 răng sâu.

Từ năm 1945 đến nay, sau nửa thế kỷ thực hiện chương trình châm fluor vào nước uống ( Pha fluoride vào nước máy với nồng độ 0,5ppm-1ppm) ở các nước tiên tiến và chương trình phòng chống bệnh sâu răng trong cộng đồng ngày càng hiệu quả hơn, đã làm cho tỷ lệ sâu răng (tooth decay prevalence) giảm đi rõ rệt, tỷ lệ sâu răng đã giảm hơn phân nửa (50%) và trung bình trẻ em ở lứa tuổi 12 ở một số quốc gia châu Á chỉ còn từ 1 đến 2 răng sâu so với thế hệ bố mẹ sâu răng đã giảm hơn phân nửa.

  • Sâu răng là sự hủy hoại các mô cứng của răng gồm: men răng, ngà răng, tuỷ răng. Sâu răng đi từ bên ngoài vào tạo nên lổ sâu, dần dần lổ sâu to ra và phá hủy tất cả cấu trúc của răng làm răng bị hoại tử, thối gốc và nhiễm trùng gốc răng. Nếu không chữa trị đúng phương pháp nhiễm trùng răng (infected root), nhiễm trùng xương hàm (infected bone), sẽ gây ra nhiều tai biến, lúc đó răng không còn giữ và bảo tồn được nữa, sau cùng phải nhổ bỏ đi.

Ở thế kỷ trước sâu răng được tổ chức sức khỏe thế giới (W.H.O, O.M.S) xem như là tai họa thứ 3 của loài người sau bệnh tim mạch và ung thư. Sâu răng được xếp hàng thứ 3 vì tốn kém trong điều trị chứ không phải vì nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân. Các nước Châu Âu và Mỹ hàng năm bỏ ra một chi phí rất lớn cho điều trị bệnh sâu răng. Riêng Hoa Kỳ mỗi năm chi phí điều trị sâu răng là 12 tỷ USD. Vì vậy các nước nghèo, các nước đang phát triền, phòng chống sâu răng, làm giảm sâu răng và bệnh tật răng miệng là quốc sách , là chiến lược của ngành Nha Khoa vì điều trị sâu răng sẽ không bao giờ hết được. Trong một nước dù giàu có đến đâu nhà nước cũng không thể chăm lo cho tất cả mọi người được. Ở Mỹ bảo hiểm không thể bao hết toàn dân mà chỉ bao trùm (cover in insurance) 35% dân số, đó là những người có việc làm ổn định có công ty bảo hiểm sức khỏe, còn lại những người già và những người thất nghiệp, nhà nước có lo cho được hết không?

  • Nhiều người thường ví việc điều trị răng, trám răng sâu cũng giống như là việc sơn cầu treo ở San Francisco (Golden Gate Bridge): Đội sơn cầu suốt năm nầy qua tháng kia, khi sang được đầu cầu bên nầy, thì đầu cầu bên kia sơn đã phai màu, rồi lại sơn tiếp tục chỗ bị phai. Đội ngủ BS sẽ không đủ để trám hết răng nầy, chưa xong thì răng khác đã bị sâu, sâu mới rồi sâu tái phát. Đó là đối với những bệnh nhân có điều kiện đi nha sĩ, còn bệnh nhân nghèo không có tiền thì nhà nước cũng không thể, và không có đủ ngân sách để điều trị cho tất cả.
  • Bs.Trần Ngọc Đỉnh