Bệnh liên quan vùng miệng

TẦM SOÁT VÀ PHÁT HIỆN SỚM KHỐI U XƯƠNG HÀM

  • Khám sức khỏe định kỳ là vô cùng quan trọng trong việc chủ động phòng chống bệnh tật, nhất là việc tầm soát và phát hiện sớm các khối u toàn thân. Hiện tại, mỗi sáu tháng, chúng ta khám sức khỏe định kỳ với một danh sách dài các xét nghiệm máu, cân đo tính toán lượng đường huyết, chụp phim phổi, test nước tiểu...v...v... và các xét nghiệm hầu hết đều từ cổ trở xuống.

Trong khi đó, việc tầm soát và phát hiện sớm các khối u xương hàm cũng quan trọng và cần thiết không kém. Về mặt bệnh lý u xương hàm có thể là u lành tính hoặc ác tính và xảy ra ở cả xương hàm trên và xương hàm dưới. Đa số bệnh nhân u xương hàm đến điều trị đều ở giai đoạn muộn và hậu quả nhiều khi là cắt đoạn xương hàm gây ảnh hưởng trầm trọng đến chức năng và thẩm mỹ khuôn mặt.

1. Biểu hiện của u xương hàm?

  • Trước hết, chúng ta nên biết rằng, đa số các khối u xương hàm, nhất là các khối u lành tính đều không có biểu hiện lâm sàng. Hầu như không có dấu hiệu nào báo trước là có khối u đang phá hủy xương hàm. Thông thường bệnh nhân U xương hàm đến khám và điều trị khi xương đã bị phá hủy và gây biến dạng một phần khuôn mặt. Một vài dấu hiệu nghèo nàn như các răng xô lệch, hoặc lung lay có thể là dấu hiệu lâm sàng đầu tiên của bệnh, nhưng lúc này thường là bệnh đã tiến triển rất nặng rồi.

Cũng có những trường hợp u ác tính xương hàm, dấu hiệu lâm sàng không hề biểu hiện ra ngoài mà chỉ có đơn thuần là dấu hiệu đau nhức răng. Bệnh nhân mất nhiều thời gian chữa tủy răng, rồi sau cùng nhổ răng, vẫn không giải quyết được tình trạng đau ban đầu, cho đến khi đến bệnh viện chụp phim, tình cờ phát hiện khối u xương hàm và đã là u ác tính

2. Vì sao bị u xương hàm? Tác hại?

  • U xương hàm xuất hiện ở mọi lứa tuổi dù là trẻ con hay người lớn. Có trường hợp u xuất hiện ở bé 4 – 5 tuổi và nhiều trường hợp xảy ra ở người trẻ với độ tuổi chưa đến đôi mươi. Nguyên nhân xuất hiện khối u thường không rõ ràng, có thể liên quan đến yếu tố di truyền hoặc tác nhân tại chỗ có nguồn gốc do răng, hay không do răng .v...v...

Điều quan trọng là những tác hại của bệnh lý này gây ra mà chúng ta phải hết sức lưu ý. Khi xương hàm bị phá hủy gần hết cấu trúc, điều trị bắt buộc là phải cắt đoạn xương hàm, tháo khớp, để lại khuôn mặt biến dạng rất thương tâm.. Thử tưởng tượng chỉ mất một vài chiếc răng đã khó ăn nhai, ảnh hưởng đến vấn đề tiêu hóa và dinh dưỡng thế nào. Trong khi đó U xương hàm điều trị muộn phải cắt bỏ phần lớn xương, dẫn đến mất hoàn toàn chức năng ăn nhai và ảnh hưởng trầm trọng đến thẫm mỹ. Điều trị muộn luôn để lại di chứng nặng nề, đó là chưa kể những trường hợp u ác tính có thể gây tử vong.

3. Làm sao tránh (đề phòng) u xương hàm?

  • - Làm thế nào để giảm thiểu những hậu quả này là phải phát hiện sớm để điều trị kịp thời. Đây là vấn đề mà mọi người luôn hết sức quan tâm, nhưng khám sức khỏe răng miệng định kỳ cho đến nay chỉ mới dừng lại những bệnh lý thông thường như bệnh sâu răng hay bệnh nha chu. Bác sĩ nha khoa vẫn ít nghĩ đến việc tầm soát khối u xương hàm. Ngoài ra, trong con mắt đa số người dân trong cộng đồng, bác sĩ răng hàm mặt chỉ khám và điều trị răng mà thôi, không biết rằng việc phát hiện các bệnh lý vùng hàm mặt là trách nhiệm của bác sĩ răng hàm mặt.

- Cách duy nhất là chụp phim khảo sát xương hàm định kỳ mỗi năm. Trước đây máy chụp phim toàn cảnh chỉ có một số cơ sớ lớn chuyên ngành răng hàm mặt trang bị như bệnh viện răng hàm mặt trung ương, bệnh viện răng hàm mặt thành phố và Khoa răng hàm mặt đai học y dược thành phố Hồ Chí Minh. Hiện nay, có một số cơ sở nha khoa tư nhân đã trang bị máy chụp phim toàn cảnh loại bình thường và cả loại kỹ thuật số cho hình ảnh chất lượng. Cần lưu ý là những cơ sở chụp phim X quang tổng quát y khoa không có trang bị loại máy này. Với những máy chụp phim y khoa thông thường, để đánh giá các cấu trúc xương hàm mặt cần phải chụp nhiều phim mới có thể khảo sát tất cả các cấu trúc xương. Phim toàn cảnh không chỉ cho phép khảo sát và tầm soát khối u xương hàm mà còn cho phép đánh giá bệnh lý nha chu, bệnh lý sâu răng. Ngoài phim toàn cảnh, phim cắt lớp điện toán (CT Scan) cũng có thể giúp phát hiện bệnh lý xương hàm, tuy nhiên do lượng tia rất cao của máy, nên phim này chỉ được bác sĩ chỉ định chụp bổ sung khi đã xác định có bệnh lý xương hàm trên phim toàn cảnh và cần chụp thêm CT để đánh giá chi tiết hơn.

 

 

Khuôn mặt bệnh nhân hoàn toàn bình thường

4. Cách chữa trị?

  • Điều trị u xương hàm chủ yếu là bằng phẫu thuật khoét bỏ u khi u còn nhỏ và phải cắt đoạn xương khi u phát triển lan rộng. Khi u còn nhỏ, điều trị khoét u hầu như không để lại di chứng hay biến chứng gì ảnh hưởng đến chức năng và thẩm mỹ. Nhưng phát hiện muộn sẽ dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Điều này có thể là do sự chủ quan từ phía người bệnh và cả bác sĩ răng hàm mặt, ngoài ra còn do thiếu hiểu biết về bệnh lý xương hàm của cộng đồng.

Thạc sĩ – bác sĩ Trần Ngọc Quảng Phi