Nha khoa trẻ em
Sâu răng do bú bình và biện pháp phòng ngừa
- Không ít trẻ mới được 1-3 tuổi đã bị sâu răng, có khi mất gần toàn bộ hàm trước. Nguyên nhân là trẻ bú sữa bằng bình, khiến răng bị phá hủy nhanh chóng hoặc xuất hiện các lỗ sâu lớn màu đen.
- Bệnh hay gặp ở trẻ dưới 3 tuổi có thói quen ngậm lâu các chất lỏng có chứa nhiều đường như nước trái cây, sữa trong khi ngủ.
Tầm quan trọng của răng sữa
Răng sữa của trẻ cũng quan trọng như răng vĩnh viễn, giúp trẻ nói chuyện, ăn nhai, dinh dưỡng tốt hơn.
Dưới mỗi răng sữa đều có một mầm răng vĩnh viễn chuẩn bị mọc và phía sau răng cối sữa là răng cối vĩnh viễn. Ngoài ra, răng sữa còn đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của xương hàm.
Nếu răng sữa chậm rụng hay mất quá sớm thì sẽ làm răng vĩnh viễn mọc chen chúc nhau, dẫn đến sự xáo trộn khớp cắn.
Cách phòng ngừa sâu răng do bú bình
- Đừng để trẻ đi ngủ mà vẫn ngậm bình sữa hoặc nước trái cây. Nếu bé cần bú bình mới ngủ được thì chỉ cho ngậm bình nước lọc và lấy bình ra ngay khi bé đã ngủ.
Cần bảo đảm núm vú sạch sẽ và không còn dính chất đường.
- Tập cho trẻ uống sữa bằng ly càng sớm càng tốt, làm chất đường khó đọng lại trên răng.
(đa sâu răng do bú bình ở trẻ)
- Chỉ cho bé bú bình vào những bữa ăn chính, không nên tập cho bé thói quen ngậm bình sữa khi chơi hoặc ngủ.
- Luôn giữ miệng bé sạch sẽ. Sau mỗi lần ăn hay bú sữa, cần vệ sinh răng miệng ngay bằng bông gòn hay gạc. Cần tập cho bé thói quen chải răng ngay sau khi mọc răng sữa. Hướng dẫn bé cách sử dụng chỉ tơ nha khoa đúng cách để làm sạch kẽ răng khi bé được 2-2,5 tuổi, lúc tất cả các răng sữa đã mọc đủ.
- Nếu nguồn nước sử dụng không được Fluor hóa để phòng ngừa sâu răng, hãy đến bác sĩ răng hàm mặt xin tư vấn cách bổ sung Fluor cho trẻ.
- Nên khám răng định kỳ cho trẻ khi được 6 tháng đến 1 tuổi để phát hiện răng sâu, đặc biệt những đốm sẫm màu trên răng.
Bác sĩ Nguyễn Quốc Dũng
(Sức Khỏe và Đời Sống)