Nha khoa trẻ em

CHĂM SÓC RĂNG TỐT VÀ SỚM CHO TRẺ



Tại sao răng sữa lại quan trọng?

  • Răng sữa ở trẻ cũng quan trọng như răng vĩnh viễn. Những răng nầy sẽ giúp trẻ ăn nhai, nói chuyện, có gương mặt đẹp, đồng thời nó giữ khoảng cho răng vĩnh viễn sau nầy mọc lên đúng chỗ, đều và đẹp.

Một số người thường có suy nghĩ là răng sữa không quan trọng vì nó cũng sẽ được thay thế nên không cần chăm sóc nó . Chúng ta nên biết là dưới mỗi răng sữa có một mầm răng vĩnh viễn chuẩn bị mọc, nếu vì lý do nào đó răng sữa chậm rụng hoặc mất quá sớm thì các răng vĩnh viễn sau nầy mọc lên có thể chen chúc, không đều nhau và hậu quả là đưa đến sự xáo trộn khớp cắn.
Răng sữa tốt , khỏe mạnh giúp cho răng vĩnh viễn mọc đúng chỗ . Răng sữa xấu sẽ làm cho răng vĩnh viễn mọc chen chúc
Làm sao giữ cho trẻ không bị sâu răng?

  • Kẻ thù chung của răng và nướu là các mảng bám răng. Mảng bám răng là một chất dính chắc chứa lớp vi trùng mỏng gây nên bệnh sâu răng. Mảng bám răng cùng với chất đường tạo nên axit tấn công phá huỷ men răng gây nên lỗ sâu răng. Vì thế nên giảm bớt kẹo, bánh, thức ăn ngọt và nước uống có đường.
  • Tất cả các nhóm tuổi của trẻ đều có nguy cơ sâu răng, thường có khuynh hướng xảy ra ở trẻ ăn vặt và không có thói quen chải răng sau mỗi lần ăn.

Chải răng đúng cách với kem đánh răng có Fluor tối thiểu 2 lần một ngày rất quan trọng , cũng như cho trẻ ăn những thức ăn tốt như trái cây ngũ cốc, giảm thiểu những thức ăn có đường cũng giúp phòng ngừa sâu răng
Chăm sóc răng tốt và sớm cho trẻ

  • Khuyến khích và tạo môi trường vui thích cho trẻ chải răng, chẳng bao lâu trẻ sẽ cảm thấy chải răng như là một thói quen hằng ngày giống như ăn sáng hoặc đọc truyện trước khi đi ngủ.
  • Tập cho trẻ có thói quen chải răng ngay sau khi mọc các răng sữa đầu tiên.
  • Giúp trẻ chải răng cho đến khi trẻ được 3 tuổi, rồi khuyến khích trẻ tự chải lấy nhưng dưới sự kiểm soát của bạn, hướng dẫn trẻ cách chải răng đơn giản như động tác xoay tròn với biên độ nhỏ.
  • Chọn cho trẻ bàn chải nhỏ đầu tròn và sợi lông mềm.
  • Chỉ sử dụng một lượng nhỏ như hạt đậu kem đánh răng có Fluor. Hướng dẫn trẻ súc miệng và nhổ hết kem đánh răng ra sau khi chải răng.
  • Thường xuyên kiểm tra răng trẻ nếu thấy có những đốm sâu răng sẫm màu trong miệng trẻ. Nên cho trẻ đi khám răng lần đầu tiên trong khoảng thời gian giữa lần mọc răng đầu tiên và lúc trẻ được 1 tuổi.

Như vậy chăm sóc răng miệng sớm và đúng cách chắc chắn giúp trẻ luôn có hàm răng mạnh khỏe và nụ cười rạng rỡ.
Khi nào trẻ bắt đầu tự chải răng?

  • Răng nướu lành mạnh giúp cho sức khoẻ của trẻ tốt vì sẽ giúp trẻ ăn nhai, phát âm đúng và có nụ cười rạng rỡ.

Phụ huynh sẽ đóng vai trò quan trọng cho sức khỏe răng miệng của con mình, thật vậy chăm sóc răng miệng cho trẻ bắt đầu từ bạn.
Điều đặc biệt quan trọng làm cho trẻ cảm thấy hăng hái, nhiệt tình, năng động trong việc chăm sóc hàm răng của mình. Mặc dù bạn hướng dẫn trẻ chải răng đúng cách hoặc đưa trẻ đi khám răng định kỳ cũng nên nhớ đó là một cách tốt nhưng đừng quên khen ngợi và khuyến khích trẻ để hướng cho trẻ tự ý chăm sóc răng miệng và có nụ cười tươi tắn.
Nên chải răng cho trẻ như thế nào?

  • Để ngăn ngừa sự thành lập mảng bám, thì điều quan trọng nên làm là chải sạch kỹ lưỡng răng và nướu mỗi ngày ít nhất 2 lần. Khi chải răng cần nhớ là mỗi răng của chúng ta có đến 5 mặt: Mặt ngoài, mặt trong, 2 mặt bên gần xa và mặt nhai (răng cối), hay bờ cắn (răng cửa). Và chỉ có một cách duy nhất chắc chắn giúp ta phòng ngừa bệnh lý răng miệng là làm sạch tất cả các mặt của răng. Hiện nay có nhiều kỹ thuật chải răng khác nhau và tốt nhất bạn nên hỏi ý kiến nha sĩ điều trụ cho bạn để biết mình nên theo phương pháp chải răng nào là phù hợp nhất khi chải răng .
  • Chải mặt ngoài các răng cửa, đặt bàn chải nghiêng một góc 45 độ hướng về phía bờ nướu.
  • Bắt đầu chải mặt nhai vóii bàn chải trẻ em có sợi lông mềm , dùng động tác đẩy tới lui với biên độ ngắn.
  • Di chuyển vào răng trong chải nhẹ nhàng.
  • Chải mặt trong các răng cửa dưới , giữ bàn chải thẳng đứng , dùng phần đỉnh bàn chải chải nhẹ theo hướng từ nướu đến bờ cắn.
  • Phải chắc chắn rằng các răng sau và nướu được làm sạch đúng mức.

Nên thay bàn chải của trẻ khi lông bàn chải bắt đầu toe ra, thường thì mỗi 3 tháng một lần.
Trẻ 3-4 tuổi có thể tự chải răng nhưng nên có sự giúp đỡ của bố mẹ . Để chải răng dễ dàng nên hướng dẫn cho trẻ cách chải răng đơn giản như động tác xoay tròn nhỏ.
Chọn bàn chải và kem đánh răng như thế nào cho trẻ?

  • Nên chọn bàn chải có sợi lông thật mềm được dành riêng cho trẻ em . Ngày nay có rất nhiều bàn chải với màu sắc và thiết kế rất ngộ ngĩnh làm thúc đẩy trẻ muốn chải răng , nhưng nên nhớ chọn cho trẻ loại bàn chải được thiết kế phù hợp và kích cỡ vừa với lứa tuổi của trẻ để khuyến khích trẻ chải răng

Có thể chọn cho trẻ loại bàn chải máy rất hiệu quả và an toàn khi chải răng

  • Nhiều loại kem đánh răng trẻ em có mùi vị phù hợp với vị giác của trẻ để khuyến khích trẻ chải răng , nhưng nên chọn cho con bạn mùi vị mà cháu thích nhất

Tại sao nên cho trẻ đi đến bác sĩ răng hàm mặt?

  • BS RHM sẽ khám toàn bộ răng nướu , hàm và sẽ phát hiện bất kỳ những dấu hiệu bất thường ở giai đoạn sớm đồng thời sẽ hướng dẫn cách chải răng và chăm sóc răng miệng đúng cách cho trẻ. Nha sĩ có thể yêu cầu sử dụng thêm Fluor cho trẻ nếu thấy cần thiết . Đây cũng là lúc để hỏi BS RHM xem răng của trẻ đang phát triển như thế nào.

Khám răng định kỳ 6 tháng một lần để phát hiện và điều trị sớm các bệnh răng miệng.
Làm sao để giữ răng sữa của trẻ không bị sâu sớm?

  • Các bậc cha mẹ nên biết cách chăm sóc sức khỏe răng miệng cho con mình . Luôn luôn giữ miệng cho trẻ sạch sẽ . Sau mỗi lần ăn cần vệ sinh răng miệng ngay, dùng gòn hay gạc chùi sạch răng cho trẻ. Cần tập cho trẻ có thói quen chải răng ngay sau khi mọc các răng sữa đầu tiên
  • Hướng dẫn cho trẻ cách sử dụng chỉ tơ nha khoa đúng cách để làm sạch kẻ răng
  • Bà mẹ không nên tập cho con mình ăn một chế độ ăn quá nhiều chất đường
  • Chế độ ăn của trẻ rất quan trọng , hướng dẫn trẻ tránh ăn hoặc giảm thiểu những thức ăn , thức uống có đường, ví dụ chỉ dùng trong những giờ ăn chính , chải răng sau khi ăn luôn luôn là thói quen tốt cho trẻ.
  • Ăn các lọai thực phẩm bổ dưỡng , hợp lý tốt cho răng như rau trái cây tươi , hạn chế ăn vặt đặc biệt là các chất đường . bột , dính ...
  • Nên đến bác sĩ RHM khám răng định kỳ sau khi trẻ được 6 tháng đến 1 tuổi để phát hiện những răng mới bị sâu cũng như những hướng dẫn về cách chăm sóc răng.
  • Thường xuyên kiểm tra răng trẻ nếu thấy có những đốm sâu răng sẫm màu trong miệng trẻ thì nên đi điều trị sớm.
  • Nếu nguồn nước sử dụng không được Fluor hóa phòng ngừa sâu răng, hãy đến BS RHM tư vấn cách bổ sung Fluor cho trẻ ( như sử dụng kem đánh răng có Fluor, viên Fluor...).

Thạc sĩ: Nguyễn Quốc Dũng-BVNĐ1