Nha khoa cơ sở

Nước bọt và tác dụng trị liệu


Nước bọt (NB) còn có các tên khác như nước dãi, nước miếng. Nó là sản phẩm bài tiết của các tuyến nước bọt, ngoài chức năng khởi phát cho sự tiêu hóa, nó còn nhiều chức năng quan trọng khác. Tuy nhiên không chỉ có thế, NB còn có tác dụng trị liệu trong y học phương Đông. Và ngày nay y học hiện đại cũng nghiên cứu NB vào điều trị.

Một chất dịch đặc biệt

NB là dịch lỏng, trong suốt, không màu, quánh, pH 6,5; có nhiều chức năng quan trọng như: tiêu hóa (có enzym thủy phân tinh bột), bôi trơn (giúp cho các hoạt động nhai, nuốt và nói), làm sạch (loại bỏ những mảnh vụn thức ăn ở miệng và răng), tái khoáng hóa (giúp lành sâu răng ở giai đoạn sớm), bảo vệ (như một yếu tố kháng khuẩn chống lại vi sinh vật và trung hòa acid do mảng bám vi khuẩn sinh ra).

Khoa học hiện đại đã chứng minh trong NB có hơn chục loại enzym, nhiều vitamin và các nguyên tố vi lượng, các acid hữu cơ và hormon cần thiết cho cơ thể. Ví dụ, ngoài men amylase tiêu hóa, còn có lysozyme kháng khuẩn, immunoglobulin tăng cường miễn dịch, muccus protein bảo vệ niêm mạc dạ dày...

Nước bọt với y học phương Đông

Các thầy thuốc đời xưa rất trọng nước bọt, coi nó như một vị thuốc, có tác dụng cầm máu kỳ diệu, mau làm lành vết thương. Trong các sách thuốc cổ, NB còn được gọi bằng nhiều mỹ từ như: thần thủy, ngọc tuyền, quỳnh dịch, hay kim tân ngọc dịch... Theo y học phương Đông, thì NB thuộc loại tân dịch mà tân dịch có sự kết hợp tinh tuý nhất giữa nước và ngũ cốc. Tân dịch là chất bổ dưỡng đối với cơ thể, làm cho da mềm mại, tăng tính đàn hồi, bôi trơn các khớp xương, bổ dưỡng não và tủy sống, thông khiếu, làm cho sáng mắt...

Lý Thời Trân, danh y Trung Quốc thế kỷ 16, có ghi rõ trong bộ sách Bản thảo cương mục như sau: "NB vị mặn, tính bình, không độc. Dùng chữa mụn nhọt sưng đau, ghẻ lở, phỏng da, còn có tác dụng làm sáng mắt, phá tan màng mộng, giải độc, trừ tà độc và ngộ độc vì thủy ngân". Trong sách còn ghi thêm: "Muốn có NB tốt thì sáng sớm thức dậy chưa ăn uống gì, chưa nói gì, dùng NB mới tiết ra bôi ngay lên mụn nhọt". Còn Trương Cảnh Nhạc (danh y đời nhà Minh, Trung Quốc) thì viết: "Nuốt NB có thể sống lâu, trừ được nhiều bệnh, bồi bổ ngũ tạng và làm khỏe cơ, đẹp da".

Và y học hiện đại

Nghiên cứu về NB, TS. Stanley Cohen (nhà khoa học Mỹ đã từng được giải Nobel về y sinh lý) đã phát hiện trong NB có chứa một yếu tố sinh trưởng biểu bì, có tác dụng tái tạo và nhân lên số lượng tế bào da. Ngoài ra trong NB còn có chứa một lượng nhỏ các chất có hoạt tính sinh học khác như yếu tố sinh trưởng thần kinh, có tác dụng kích thích sự phân hóa và tái tạo tế bào thần kinh cảm giác và thần kinh giao cảm.

Một nghiên cứu khác cũng ở Mỹ, người ta quan sát thấy khi bị thương các con vật thường hay liếm vết thương của mình. Qua hiện tượng này, các nhà khoa học nghĩ rằng, theo bản năng, động vật đã biết sử dụng NB để giúp mau lành vết thương, đồng thời chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn. Để kiểm chứng, các nhà sinh học Mỹ đã nghiên cứu xác định được trong NB có chứa một loại protein thiên nhiên Secretory Leucocyte Protease Inhibitor tác động như một chất chống viêm, đồng thời còn có tác dụng đối kháng với sự thoái hóa biến chất của nhiều protein trong cơ thể, đặc biệt ở giữa lớp biểu bì. Mặt khác, loại protein này còn chống lại các tác nhân gây viêm nhiễm từ nhiều chủng loại vi sinh vật kể cả nấm gây bệnh. Vấn đề này đang được tích cực nghiên cứu trên chuột phòng thí nghiệm, và người ta cho rằng nó sẽ là chìa khóa mở ra những viễn cảnh tốt đẹp trong việc điều trị các bệnh ngoài da, cũng như trong phẫu thuật.

Còn các nhà khoa học Pháp, thuộc Viện Pasteur lại nghiên cứu phát hiện trong NB của người có một chất chống đau tự nhiên. Khi thử trên súc vật, các nhà khoa học thấy chất này có tác dụng giảm đau mạnh hơn nhiều lần morphin, và họ đặt tên cho chất đó là opiorphin là dạng phân tử sinh ra tự nhiên và có thể chuyển hóa nhanh chóng. Qua những thử nghiệm trên chuột cho thấy: khi tiêm 1mg opiorphin trên 1kg trọng lượng chuột có công dụng giảm đau ngang với tiêm từ 3-6mg morphin. Các nhà nghiên cứu vấn đề này cho biết, họ đang liên hệ với một hãng dược phẩm và hy vọng sẽ có sự hợp tác nghiên cứu sâu hơn để sớm có loại thuốc giảm đau opiorphin trong thời gian tới.

BS. Vũ Hướng Văn-SKĐS