Tin tức nha khoa trong nước

Nhiều bệnh viện lớn bị 'đánh cắp' thương hiệu



Một số cơ sở hành nghề y tư nhân tại TP HCM đang "mượn tạm" thương hiệu của bệnh viện công nhằm mục đích chèo kéo bệnh nhân để trục lợi. Bệnh viện Chợ Rẫy và bệnh viện Thống Nhất đều từng là nạn nhân.

Nằm sát cạnh bệnh viện Thống Nhất (1A Lý Thường Kiệt, quận Tân Bình) là tiệm kính mắt mang tên "Kính mắt Thống Nhất". Hai khách hàng bước vào hỏi: "Chỗ này có phải thuộc bệnh viện Thống Nhất không?". Cô nhân viên vui vẻ gật đầu.

Trong phòng đo mắt, vị bác sĩ đeo biển hiệu: Hoàng Đình Thuần, khoa Khúc xạ, Bệnh viện Thống Nhất. Khi được hỏi cơ sở này có phải của bệnh viện không, ông Thuần gật đầu ngay, nhưng sau đó giải thích: "Cơ sở là của tư nhân, còn bác sĩ của bệnh viện, dạng bệnh viện - tư nhân liên doanh".

Tuy nhiên, giáo sư Nguyễn Mạnh Phan, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất lại khẳng định, bệnh viện chỉ cho thuê mặt bằng chứ không cho "thuê" luôn thương hiệu hay liên doanh liên kết gì cả. Bệnh viện không hề có khoa khúc xạ, cũng không có vị bác sĩ nào tên Thuần. Tại bệnh viện Mắt TP HCM cũng không có bác sĩ nào tên Hoàng Đình Thuần.

Ông Đặng Văn Quỳ, Phòng Quản lý dịch vụ y tế tư nhân (Sở Y tế TP HCM) cho biết, phòng không hề cấp giấy phép hoạt động cho bác sĩ Hoàng Đình Thuần. Bản thân cơ sở mắt kính Thống Nhất cũng chỉ đăng ký bán mắt kính chứ không đề cập gì tới kinh doanh kính thuốc kèm theo bác sĩ hoạt động.

Tại địa chỉ 630 đường Nguyễn Chí Thanh, phường 4, quận 11, có ít nhất 8 bảng hiệu quảng cáo về các dịch vụ y tế . Trong đó nổi bật nhất là tấm bảng "Nha khoa thẩm mỹ Chợ Rẫy". Bên kia đường là cánh cổng cấp cứu của Bệnh viện Chợ Rẫy nên nhiều bệnh nhân cho rằng phòng nha này là cơ sở của bệnh viện. Phòng khám răng rộng gần 16 m2, nhân viên không đeo bảng hiệu. Vừa thấy bệnh nhân, người đàn ông mặc blu trắng ra hiệu nằm vào ghế, xem qua rồi không hỏi han gì, dùng khoan xử lý luôn chiếc răng số 4 hàm trên. Ông ta giải thích gọn: "Phải lấy tủy". Người bệnh hỏi có phải chụp phim không. "Khỏi" - người đàn ông đáp cụt lủn rồi đưa những mũi tiêm nhỏ xíu vào bên trong chiếc răng sâu. Mỗi lần chiếc kim dịch chuyển, cả thân thể người bệnh gồng cứng, mồ hôi túa đầy và nước mắt ứa ra. Thấy bệnh nhân ra dấu là rất đau, vị bác sĩ ngừng lại giải thích: "Phải làm kỹ mới lấy hết tủy" và cho tiêm thuốc tê.

Sau 25 phút, quy trình điều trị hoàn tất, bệnh nhân phải trả 200.000 đồng (dù yêu cầu khi vào phòng nha này chỉ là khám răng) mà không có hóa đơn. Khi được hỏi có phải là bác sĩ của bệnh viện Chợ Rẫy không, người đàn ông ném ra một tấm danh thiếp: Nha khoa thẩm mỹ Chợ Rẫy (đối diện cấp cứu bệnh viện Chợ Rẫy); bác sĩ Trần Khải Hòa.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Khôi, Phó giám đốc bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, gần 2 tháng nay, ban bảo vệ phát hiện một cơ sở y tế tư nhân nằm đối diện khoa cấp cứu, có tên "Nha khoa thẩm mỹ Chợ Rẫy". Rất nhiều người bệnh nhầm tưởng đây là cơ sở phụ của bệnh viện. Được phản ánh, công an khu vực đã đến làm việc với phòng nha trên và kết quả là một miếng vải đỏ được "vắt" lên tấm bảng hiệu để che hai chữ "Chợ Rẫy". Được vài ngày, miếng vải bỗng rơi đi đâu mất. Bệnh viện lại tiếp tục "đi kiện" và lần này, thay bằng miếng vải đỏ là một miếng băng keo dán lên hai chữ "Chợ Rẫy". Ông Khôi cũng cho biết, đây không phải là lần đầu tiên bệnh viện Chợ Rẫy bị lạm dụng thương hiệu. Nhiều lần trước đó, một số nhà thuốc tư nhân mang tên Chợ Rẫy đã lần lượt mọc lên xung quanh khu vực bệnh viện. Ban giám đốc đã phản đối việc làm này nên cuối cùng buộc họ phải đổi tên khác.

Luật sư Phạm Văn Mai, tư vấn về luật cho bệnh viện Chợ Rẫy, nói: "Bệnh viện Chợ Rẫy là cơ quan có đầy đủ tư cách pháp lý, tồn tại và phát triển trên 100 năm. Nếu những cá nhân khác sử dụng thương hiệu Chợ Rẫy là tên đặc thù của bệnh viện để kinh doanh với mục đích cá nhân là hoàn toàn vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Luật sư Bùi Minh Tâm thuộc Văn phòng luật sư quận 1 phân tích: "Thương hiệu của các bệnh viện đã tồn tại chỉ dựa vào uy tín của người bệnh. Xét về góc độ pháp lý, khi đăng ký giấy phép hoạt động thì hiển nhiên tên thương mại của đơn vị đó đã được công nhận và cũng được pháp luật bảo hộ nhưng chỉ ở khía cạnh là nhãn hiệu. Một đơn vị khác nếu lấy trùng tên là vi phạm luật. Nhưng nếu có kiện ra tòa dân sự thì cũng chỉ dừng lại ở việc buộc chấm dứt tên thương mại chứ chưa có biện pháp chế tài. Cách tốt nhất vẫn phải là đăng ký bảo hộ độc quyền thương hiệu".

Luật sư Mai cũng đồng tình với ý kiến trên: "Sau sự việc này, chúng tôi chắc chắn sẽ hoàn tất thủ tục đăng ký bảo hộ độc quyền thương hiệu và kể cả logo của bệnh viện".

Đi đầu trong khuynh hướng này là bệnh viện Mắt TP HCM, có tên trong danh sách "Thương hiệu Việt" được bảo hộ từ năm 2003 . Tuy vậy, hiện bệnh viện cũng hết sức đau đầu với sự nhập nhằng của một số cơ sở y tế tư nhân. Chẳng hạn, để lách luật, một cơ sở lấy tên là "bệnh viện Mắt Sài Gòn" khiến rất nhiều người nghĩ đây là cơ sở 2 của bệnh viện Mắt TP HCM. Một số nơi khác khác lại dùng hình ảnh các bác sĩ của bệnh viện này để quảng cáo để gây sự hiểu lầm tương tự.

(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)