Trám răng

Thắc mắc về trám bít hố rãnh bằng sealant


H: Sealant là gì?

TL: Sealant là một lớp nhựa trong hay có màu, khi dán lên răng giúp trẻ không bị sâu răng. Sealant bảo vệ các mặt răng có hố rãnh, đặc biệt là mặt nhai ở các răng sau - đây là những nơi hay bị sâu răng ở trẻ em

H: Sealant tác động như thế nào?

TL: Ngay cả khi con bạn chải răng và dùng chỉ nha khoa kỹ càng, cũng vẫn rất khó - đôi khi là không thể - làm sạch những hố rãnh nhỏ xíu trên một số răng. Thức ăn và vi khuẩn tích tụ tại những rãnh này khiến cho con bạn có nguy cơ bị sâu răng. Sealant được dán lên các hố rãnh ngăn không cho thức ăn và mảng bám bám vào răng, vì thế làm giảm nguy cơ sâu răng.

H: Sealant duy trì được bao lâu?

TL: Các nhiên cứu thấy rằng sealant có thể duy trì trên răng rất nhiều năm nếu được chăm sóc đúng cách. Nhờ vậy trẻ em sẽ được bảo vệ trong suốt những năm dễ bị sâu răng. Nếu con bạn giữ vệ sinh răng miệng tốt và tránh nhai những vật cứng, sealant sẽ duy trì lâu hơn. Nha sĩ trẻ em sẽ kiểm tra sealant trong những lần khám định kỳ và đề nghị dán sealant lại hay sửa chữa lại khi cần.

H: Sealant được dán như thế nào?

TL: Dán sealant rất nhanh và dễ chịu; chỉ trong một lần hẹn. Đầu tiên răng sẽ được làm sạch, rồi được xử lý và thổi khô. Sau đó sealant sẽ được cho vào các rãnh trên mặt răng và đợi đến khi cứng lại hay chiếu đèn để cứng lại. Con bạn có thể ăn uống ngay sau buổi hẹn.

H: Nên dán sealant những răng nào?

TL: Lưu lượng nước bọt tự nhiên luôn làm sạch các mặt láng của răng nhưng không rửa sạch được các hố rãnh. Vì thế, những răng có nguy cơ sâu cao nhất, cần dán sealant nhất là các răng hàm mọc lúc 6 tuổi và 12 tuổi. Các răng tiền hàm vĩnh viễn và các răng hàm sữa cũng đươc bảo vệ rất nhiều nếu được dán sealant. Tuy nhiên, bất cứ răng nào có hố rãnh được dán sealant đều có lợi. Hãy trao đổi với nha sĩ trẻ em vì mỗi trường hợp mỗi khác.

H: Nếu con tôi đã được dán sealant rồi, chải răng và dùng chỉ nha khoa vẫn còn quan trọng chứ?

TL: Hoàn toàn đúng! Sealant chỉ là một bước trong kế hoạch phòng ngừa cho trẻ không bị sâu răng suốt đời. Chải răng, dùng chỉ nha khoa, chế độ ăn hợp lý, hạn chế ăn vặt và đi khám răng định kỳ vẫn là những điều cần làm để đem lại một nụ cười tươi sáng và một bộ răng khỏe mạnh

(nhasisaigon)