Bệnh thời sự

Khuyến nghị của WHO: Về dùng thuốc kháng virut trong đại dịch cúm A/H1N1


Ngày 20/8/2009, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra khuyến nghị về dùng thuốc kháng virut trong đại dich cúm A/H1N1. Khuyến nghị xây dựng trên cơ sở đồng thuận của một ban chuyên gia quốc tế sau khi đã rà soát lại tất cả các nghiên cứu về độ an toàn hiệu quả của của các kháng virut mà trọng tâm là tamiflu (oseltamivir), relenza (zanavir).

Nội dung khuyến cáo

Lúc nào dùng thuốc, dùng thuốc gì, cho ai?

Trên thế giới, phần lớn người nhiễm cúm A/H1N1 đều biểu hiện các triệu chứng cúm điển hình, hoàn toàn bình phục trong một tuần ngay khi không điều trị. Những người bệnh có cơ địa khỏe mạnh bị nhiễm cúm A/H1N1 không biến chứng không cần phải điều trị kháng virut.

Nhóm người có nguy cơ biến chứng gồm: trẻ em dưới 5 tuổi, người trên 65 tuổi, ở trong viện điều dưỡng, mang thai, có kèm các bệnh mạn tính (tim mạch, hô hấp, gan, đái tháo đường, suy yếu hệ miễn dịch, nhiễm HIV). Điều trị kháng virut không bắt buộc đối với nhóm không có nguy cơ bị bệnh không có biến chứng gây ra bởi cúm mùa hay nghi ngờ nhiễm cúm mùa.

Khi có nguy cơ truyền bệnh từ người này sang người khác cao hay thấp và xác suất nhiễm biến chứng nhiễm cúm cao (hoặc do chủng virut cúm hoặc do nhóm bị phơi nhiễm) có thể dùng tamiflu hay relenza dự phòng nhằm phòng ngừa sau phơi nhiễm cho cộng đồng hay cho nhóm có nguy cơ, cho nhân viên y tế. Không phải dùng thuốc ngừa nếu nguy cơ biến chứng nhiễm virut là thấp, điều này không lệ thuộc vào nguy cơ truyền bệnh từ người sang người.

Ở những vùng có virut cúm A/H1N1 lưu hành rộng rãi trong cộng đồng, gặp người có triệu chứng giống cúm cần phải giả định nguyên nhân là do nhiễm cúm A/H1N1, cho dùng thuốc mà không cần phải xét nghiệm. Các báo cáo từ các vùng có dịch cho biết, cúm A/H1N1 đang nhanh chóng trở thành chủng cúm chiếm ưu thế.

Trên cơ sở từng người bệnh cụ thể, quyết định điều trị ban đầu phải dựa trên kết quả lâm sàng và kiến thức về sự có mặt của virut trong cộng đồng. Cúm A/H1N1 hiện vẫn còn nhạy cảm với tamiflu và relenza nhưng kháng với một nhóm thuốc kháng virut thứ hai (ức chế M2). Trong trường hợp không dùng được hay không đáp ứng với tamiflu thì dùng relenza. Thuốc dùng cho mọi nhóm kể cả người có thai, trẻ sơ sinh, trẻ dưới 5 tuổi. Với trẻ dưới 5 tuổi nếu có bệnh nặng, diễn biến xấu hay có nguy cơ tiến triển nặng, nguy cơ biến chứng thì phải dùng thuốc càng sớm càng tốt. Với trẻ khỏe mạnh trên 5 tuổi không cần điều trị bằng kháng virut trừ khi bệnh kéo dài dai dẳng hay trở nặng.

Các triệu chứng của cúm A/H1N1.

Thời điểm, thời gian dùng thuốc, liều lượng

Biến chứng quan trọng nhất là viêm phổi, phá hủy mô phổi, không đáp ứng với kháng sinh, suy đa tạng tim, gan, thận) là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. Tamiflu nếu dùng đúng cách, có thể làm giảm nguy cơ viêm phổi (trước đây chưa xác định được hiệu quả trong trường hợp bệnh chuyển sang nặng). Đối với người bệnh ngay từ đầu đã có bệnh nặng, tình trạng diễn biến xấu thì nên điều trị tamiflu càng sớm càng tốt. Đối với những người bệnh nặng, có diễn tiến xấu cũng nên điều trị tamiflu cho dù khởi đầu có muộn. Các nghiên cứu cho thấy điều trị sớm ngay trong 48 giờ đầu kể từ khi khởi phát triệu chứng sẽ có kết cục lâm sàng tốt hơn. Điều này áp dụng cho mọi nhóm người bệnh bao gồm người có thai, trẻ dưới 5 tuổi và trẻ sơ sinh.

Các bệnh tiềm ẩn không phải là yếu tố đáng tin cậy trong tiên đoán cho mọi trường hợp biến chứng nặng. Trên thế giới có khoảng 40% trường hợp nặng xảy ra trên trẻ em và người lớn dưới 50 tuổi trước đó vẫn khỏe mạnh. Thầy thuốc, người chăm sóc cần cảnh giác với dấu hiệu báo động chứng tỏ sự diễn tiến bệnh sang nặng.

Trong trường hợp bệnh nặng hay diễn tiến xấu có thể dùng liều cao hơn liều đến 150mg, ngày 2 lần (trước đây: liều 75mg, ngày 2 lần) trong thời gian dài hơn (trước đây chỉ khuyên dùng 5 ngày).

Những dấu hiệu nguy hiểm

Vì bệnh tiến triển nhanh nên phải tìm đến cơ sở y tế khi có một trong các dấu hiểu nguy hiểm sau đây: Thở hụt hơi khi đang hoạt động hay nghỉ ngơi, khó thở, tím tái, khạc đàm có máu hay có màu đục, đau ngực, rối loạn thần kinh, tri giác, sốt cao kéo dài trên 3 ngày, hạ huyết áp.

Vài lưu ý khi nghiên cứu khuyến nghị của WHO

Cần nghiên cứu khuyến nghị toàn diện, nếu không sẽ hiểu sai, áp dụng sai. Ví dụ:

- Trên vùng cúm A/H1N1 lưu hành rộng rãi (tức A/H1N1 chiếm ưu thế), khi có triệu chứng cúm thì cho dùng thuốc mà không cần xét nghiệm (tiết 1). Nước ta tuy có dịch, có vùng có số người mắc nhiều nhưng chưa xác định vùng nào là vùng cúm A/H1N1 đã chiếm ưu thế. Nếu cứ có triệu chứng là dùng tamiflu thì sẽ sinh ra tùy tiện và lạm dụng.

Nhóm người không thuộc diện nguy cơ, không bắt buộc điều trị kháng virut (tiết 1). Song hơn 40% người không thuộc nhóm nguy cơ vẫn có thể diến tiến xấu (tiết 2) và khuyên cảnh giác khi có biểu hiện xấu (tiết 2). Như vậy không được chủ quan khi đã phân loại nhóm nguy cơ, không nguy cơ mà quan trọng hơn là cần theo dõi chu đáo, sát sao người bệnh.

Có trường hợp không bắt buộc dùng kháng virut (tiết 1) yêu cầu dùng thuốc sớm (tiết 2). Thầy thuốc sẽ quyết định trên cơ sở các thông tin (người bệnh có ở trong vùng cúm A/H1N1 rộng rãi không? Có nằm trong nhóm nguy cơ không? Ngay khi không ở trong nhóm nguy cơ thì có biểu hiện nào tỏ ra là sẽ tiến triển nặng?... Nếu máy móc không dùng thuốc khi chưa xét toàn diện các điều kiện thì nguy hiểm. Nếu cứ dùng thuốc dự phòng thì sẽ lạm dụng. Vì thế, người bệnh không nên tự điều trị mà phải đến ngay với thầy thuốc, đặc biệt khi có các dấu hiệu nguy hiểm (tiết 3).

DS. Bùi Văn Uy(theo WHO.Int, 8/2009)