Bệnh thời sự

Những điều cần lưu ý để dự phòng hiệu quả bệnh sốt xuất huyết



Sốt xuất huyết (SXH) là bệnh do muỗi truyền. Việc phòng bệnh chủ yếu là diệt muỗi và diệt lăng quăng. Cần lưu ý, lăng quăng của muỗi truiyền bệnh SXH chỉ sống trong nước sạch, nước trong. Do đó cần đậy kín nắp các vật chứa nước không cho muỗi vào sinh sản, thay nước bình hoa, ly nước trên bàn thờ mỗi ngày, thường xuyên súc rửa các vật dụng chứa nước hàng tuần. Thả cá bảy màu vào các lu, khạp chứa nước cũng là một biện pháp hữu hiệu để diệt lăng quăng phòng bệnh mà không làm ảnh hưởng đến chất lượng nước sử dụng.

Trong những tháng mùa mưa như hiện nay, còn có một nguồn lăng quăng khá đáng kể phát sinh từ những vật phế thải bị đọng nước mưa bên ngoài nhà. Do đó cần thực hiện thu gom và tiêu hủy các vật phế thải nhằm hạn chế muỗi phát sinh từ nguồn lăng quăng này.

Trong năm 2009, để đẩy mạnh hoạt động diệt lăng quăng - chủ động phòng bệnh SXH, bên cạnh việc vận động toàn dân cùng thực hiện phát hiện và loại trừ ổ lăng quăng, chương trình phòng chống SXH thành phố (PCSXH) còn tập trung xác định các điểm nguy cơ - tức là những nơi thường tập trung đông người, có điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển và hoạt động

- từ đó chính quyền địa phương tiến hành ký cam kết với người quản lý điểm nguy cơ và có kế hoạch kiểm soát định kỳ nguy cơ phát sinh ổ lăng quăng tại những nơi này.

Nói như vậy không có nghĩa là việc PCSXH tại những điểm nguy cơ này hoàn toàn là trách nhiệm của chính quyền và của người quản lý điểm nguy cơ, mà ngay cả đối vối mỗi người dân khi lui tới những nơi này cũng cần có ý thức trách nhiệm trong PCSXH vừa để báo vệ cho bản thân vừa góp phần bảo vệ cho mọi người xung quanh. Có thể gợi ý ở đây một số việc làm cụ thể như tự ý thức không xả rác bừa bãi tại những nơi này, tích cực tham gia các hoạt động tổng vệ sinh môi trường - diệt lăng quăng v.v...

Bên cạnh việc thực hiện diệt lăng quăng, phun hoá chất diệt muỗi là một biện pháp quan trọng nhằm nhanh chóng cắt đứt đường lây truyền bệnh. Tuy nhiên phun hoá chất chỉ thực sự đạt hiệu quả phòng bệnh nếu được thực hiện song hành với diệt lăng quăng. Để việc phun hoá chất chống dịch SXH đạt hiệu quả cần có sự hợp tác của người dân sống trong khu vực được phun hoá chất như: mở tất cả các cửa số, cửa ra vào trong thời gian phun để hoá chất có thể khuếch tán vào không gian trong nhà và phát huy tác dụng diệt muỗi bên trong nhà.

THs.Bs Lê Hồng Nga

Phó khoa KSBTN và VXSP-TTYTDP TPHCM-medicnet