Nhổ răng và tiểu phẫu răng
Nhổ răng khi nào, có nguy hiểm không?
TT - Với những tiến bộ trong công nghệ nha khoa, các răng hư được giữ lại và bảo tồn ngày càng nhiều, các chỉ định nhổ răng ngày càng ít đi. Tuy nhiên, đôi khi vẫn phải thực hiện việc nhổ răng đối với những răng không thể giữ lại được như: răng sâu quá lớn chỉ còn lại chân, răng lung lay do bệnh nha chu, răng khôn mọc kẹt, mọc lệch gây tai biến, hoặc cần nhổ bớt răng để điều trị chỉnh hình...
- Vậy nếu vệ sinh răng miệng tốt thì có thể giữ lại những
chân răng này trong miệng không? Thật ra chính những chân răng này gây trở ngại cho việc vệ sinh răng miệng, dễ tích tụ thức ăn, mảng bám và vôi răng, gây hôi miệng làm hạn chế giao tiếp xã hội. Nặng hơn có thể đưa đến ápxe xương ổ răng, đây là dạng nhiễm trùng cấp tính có biểu hiện bên ngoài là sưng đỏ, rất đau vùng niêm mạc và nướu quanh chân răng.
- Đôi khi nhiễm trùng lan rộng ra các mô lân cận gây sưng rất lớn ở vùng môi, má kèm theo sốt, đau nhức - trong chuyên môn gọi là viêm mô tế bào. Biến chứng nguy hiểm nhất của viêm mô tế bào là nhiễm trùng máu, có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách.
Việc nhổ bỏ các chân răng thường không phức tạp như nhiều người thường nghĩ, bác sĩ sẽ khám xem có cần thiết phải chụp X-quang, có thể cần thực hiện một số xét nghiệm trước khi nhổ. Hiện nay, với sự phát triển của nhiều loại thuốc tê rất hiệu quả, sau khi gây tê sẽ không có cảm giác đau tại vùng răng cần nhổ, bác sĩ sẽ sử dụng các dụng cụ thích hợp để nhổ bỏ chân răng nhiễm trùng, nạo sạch các mô bệnh lý ở vùng quanh chóp.
Sau khi nhổ, bệnh nhân chỉ cần cắn gòn chặt tại chỗ nhổ trong 30 phút đến 1 giờ để cầm máu, dùng thuốc theo toa của bác sĩ nếu cần thiết.
PGS.TS LÊ ĐỨC LÁNH
(ĐH Y dược TP.HCM)
Tuổi trẻ