Chỉnh hình răng hàm mặt

Phụ huynh và trẻ -Sự cần thiết trong điều trị chỉnh nha thành công

 

Điều trị chỉnh nha là một điều trị đòi hỏi thời gian lâu dài và cần có sự theo dõi liên tục, đầy đủ. Muốn điều trị chỉnh nha thành công cần sự nỗ lực hợp tác tốt của cả bác sĩ và bệnh nhân, đặc biệt sự hợp tác chặt chẽ giữa cha mẹ và trẻ được chỉnh nha là rất cần thiết để đạt kết quả tốt.

Muốn vậy:

1) Trẻ cần được tái khám đúng lịch hẹn của bác sĩ chỉnh hình răng mặt để theo dõi và chỉnh khí cụ chỉnh nha. Cần tôn trọng các buổi hẹn của BS chỉnh nha để không kéo dài thời gian điều trị.

2) Trẻ phải tuân thủ các lời dặn và sự hướng dẫn của bác sĩ (cách đeo và thời gian đeo thun). Khi mang khí cụ tháo lắp thì trẻ phải mang khí cụ đầy đủ theo thời gian quy định. Trẻ cần nghiêm túc mang những khí cụ tháo lắp như dây thun, băng đầu, đúng theo sự hướng dẫn của bác sĩ chỉnh nha vì các khí cụ chỉnh nha khi ở đúng vị trí sẽ tạo ra các lực hữu hiệu và cho kết quả tốt nếu mang đủ thời gian. Ngược lại, có thể không có tác dụng hoặc thậm chí có thể gây những tác hại xấu làm kéo dài thời gian điều trị.

3)

Phải loại bỏ các thói quen xấu của trẻ như mút tay, đẩy lưỡi... nên tập cho trẻ ngừng các thói quen xấu đó đi vì chúng có nhiều khả năng sẽ gây tái phát. Việc điều trị sẽ không thành công nếu các thói quen ấy không được loại bỏ.

4) Sau khi gắn mắc cài hay sau khi điều chỉnh lực lên răng của trẻ trong suốt quá trình điều trị chỉnh nha , hầu hết các trẻ đều cảm thấy đau , khó chịu, răng có thể bị đau hay nhạy cảm với lực nhai trong ngày đầu.

Trẻ cần chịu đựng và chấp nhận một ít sự khó chịu , đau hay cộm. Trẻ sẽ khó chịu nhất là tuần lễ đầu, cha mẹ cần phải thuyết phục giúp trẻ quen dần và hài lòng với sự biến đổi từ từ trong miệng . Trẻ sẽ thích nghi dần , không còn đau và khó chịu nữa, cần cho trẻ hiểu rằng càng kiên trì thì thời gian điều trị sẽ ngắn lại.

Trong những trường hợp này, chỉ cần cho trẻ uống thuốc giảm đau là đủ. Nếu trẻ còn đau, nên cho trẻ tái khám để bác sĩ xem xét và có thể điều chỉnh lực tác động lên răng của trẻ.

Môi, má, lưỡi cũng có thể bị kích thích nhẹ trong vòng một đến hai tuần cho đến khi quen với bề mặt mắc cài.

5) Cần kiểm tra các khí cụ, mắc cài hay khâu ở tình trạng tốt hay không. Nếu có bị sút, gãy hoặc gây đau thì liên hệ với bác sĩ chỉnh nha ngay. Trẻ không được dùng tay cạy, gỡ khí cụ , không được cắn ngòi bút hay viết chì vì có thể gây tổn hại cho khí cụ chỉnh nha.

6) Trẻ cần tuân thủ sự hướng dẫn của bác sĩ ĩ trong việc ăn uống , trẻ có thể ăn bình thường khi đeo mắc cài. Tuy nhiên trẻ nên tránh những thức ăn dính vì chúng có thể dính vào mắc cài và dễ gây sâu răng. Trẻ không nên ăn những thức ăn cứng, giòn, dai như đá cục, kẹo, hạt đậu, bánh mì cứng vì sẽ dễ làm hư sút các mắc cài gắn trên răng và biến dạng các khí cụ chỉnh hình làm kết quả điều trị sẽ lâu hơn. Đối với các loại thức ăn cứng như cà rốt hoặc táo thì nên cắt ra từng miếng nhỏ trước khi ăn. Cần giảm các loại thức uống có đường và không cho trẻ ăn vặt vì rất dễ gây sâu răng.

ThS BS Nguyễn Quốc Dũng
Phó Trưởng Khoa RHM BV Nhi Đồng 1