Bệnh thời sự

Những thắc mắc thường gặp về phòng tránh cúm A/H1N1 tại các khu công nghiệp, khu chế xuất

Phải làm gì để bảo vệ sức khỏe người lao động, bảo đảm sản xuất của đơn vị trước sự tấn công của bệnh cúm A/H1N1 là nỗi lo hàng đầu hiện nay của các chủ doanh nghiệp ở các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN - KCX). Ngày 27/8/2009, tại Ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất Hepza, TS, BS Lê Trường Giang - Phó giám đốc Sở y tế TP.HCM đã có buổi tập huấn, giải đáp thắc mắc về biện pháp phòng chống cúm cho người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất như sau:

* Theo bác sỹ, các doanh nghiệp tại các KCN - KCX cần làm những gì để giúp công nhân, người lao động thực hiện tốt những biện pháp phòng dịch trong tình hình hiện nay?

TS. BS Lê Trường Giang: Trong tình hình hiện nay, các doanh nghiệp cố gắng tổ chức tốt các hoạt động để vừa phòng chống dịch, vừa đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh. Trước hết, các doanh nghiệp phải tăng cường công tác truyền thông, phổ biến cho người lao động, công nhân những thông tin cần thiết về cúm nhằm nâng cao ý thức tự giác chăm sóc sức khoẻ để bảo vệ bản thân, tránh lây lan cho người xung quanh như: xây dựng thói quen rửa tay sau khi tiếp xúc với những nơi có nguy cơ nhiễm bệnh, tự giác đeo khẩu trang khi có những biểu hiện của bệnh và báo ngay với lãnh đạo đơn vị để được cách ly, giám sát kịp thời nhằm ngăn chặn nguy cơ bùng phát thành chùm ca bệnh. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phải chú ý phát hiện sớm ca bệnh tại đơn vị, tăng cường nơi rửa tay và cung cấp đầy đủ nước sạch, xà phòng cho công nhân, đôn đốc mọi người thường xuyên thực hiện các biện pháp vệ sinh môi trường, lau chùi các vật dụng, bề mặt dễ lây bệnh, đảm bảo điều kiện lao động thoáng mát, giãn rộng diện tích giao tiếp, tiếp xúc của công nhân. Đồng thời, tiến hành thay đổi cách sắp xếp bàn ăn cho công nhân theo mô hình lớp học (bàn ăn trên đâu lưng với bàn ăn dưới) nhằm tránh cho công nhân tiếp xúc mặt đối mặt, tổ chức những khu chăm sóc y tế tại chỗ cho công nhân trong từng KCN - KCX để hạn chế lây lan dịch tại các khu nhà trọ.

* Hiện nhiều KCN - KCX bỏ ngõ hoạt động y tế, thông tin kiến thức và kỹ năng phòng chống dịch bệnh tại các doanh nghiệp còn hạn chế. Để tăng cường công tác truyền thông đến người lao động, công nhân một cách đúng đắn và đầy đủ thì Ban quản lý Hepza cần phải làm những gì?

TS. BS Lê Trường Giang: Mỗi doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch truyền thông phòng chống cúm phù hợp với từng đặc điểm của đơn vị mình để bảo vệ người lao động. Để có đầy đủ, chính xác những thông tin cần thiết truyền thông về dịch cũng như hoạt động chăm sóc sức khoẻ cho người lao động, Ban quản lý Hepza cần có sự phối hợp với các đơn vị chức năng thuộc Sở y tế, tổ chức sinh hoạt định kỳ để trao đổi, phổ biến những thông tin y tế và thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khoẻ công nhân lao động.

* Nên làm gì khi phòng làm việc, phân xưởng sản xuất có người nhiễm cúm?

TS. BS Lê Trường Giang: Nếu phòng làm việc, phân xưởng sản xuất có ca bệnh, lập tức cách ly người bệnh ra khỏi khu vực lao động, sản xuất; sau đó báo cáo cho cơ sở y tế địa phương và đưa người bệnh đến cách ly, điều trị tại đây chứ không đưa về nhà trọ. Chỉ thị cho công nhân làm chung khu vực với người bệnh tạm ngưng sản xuất, lao động để thực hiện rửa tay, vệ sinh khu vực có nguy cơ lây nhiễm, sau đó thông tin cho Trung tâm Y tế Dự phòng quận/huyện thực hiện xử lý môi trường.

* Nếu có số lượng lớn công nhân bị nhiễm cúm thì doanh nghiệp có bị đóng cửa hay không? Và chuyển số bệnh đó về đâu điều trị?

TS. BS Lê Trường Giang: Việc điều trị cúm đã được phân tuyến cụ thể. Trước mắt, các cơ sở y tế địa phương, Trung tâm y tế Dự phòng quận/huyện tạm thời hỗ trợ, tiếp nhận, điều trị các ca bệnh của các KCN - KCX. Với tình hình dịch hiện nay, các bệnh viện quận/ huyện có khả năng sẽ bị quá tải. Trong trường hợp có số lượng công nhân bị nhiễm cúm nhẹ thì các doanh nghiệp phải tự tổ chức, sắp xếp khu vực cách ly và thực hiện giám sát với sự phối hợp, hỗ trợ chuyên môn của cơ sở y tế địa phương. Để chuẩn bị tốt cho việc sẵn sàng chống dịch trước khi đại dịch thật sự bùng phát, Sở y tế TP khuyến cáo mỗi KCN phải có một cơ sở y tế, mỗi xí nghiệp lớn phải có một trạm y tế nội bộ để tự chăm sóc sức khoẻ cho công nhân, lao động của mình.

Việc đóng cửa doanh nghiệp khi có dịch bùng phát còn tuỳ theo tình hình dịch và mức độ lây lan của dịch tại thời điểm đó.
Phượng Linh-(Medinet)