Tin tức nha khoa trong nước

Hơi thở hôi vì... nước súc miệng

Sau một thời gian chăm chỉ dùng nước súc miệng, anh Lâm phát hiện hơi thở của mình có mùi khó chịu hơn trước. Đi khám, các bác sĩ khẳng định loại dung dịch trên chính là thủ phạm.

30 tuổi mới có bạn gái nên anh Lâm (Long Biên, Hà Nội) để ý nhiều đến vẻ ngoài của mình, nhất là chuyện mùi hơi thở. Xem quảng cáo thấy nước súc miệng có thể làm sạch răng ở những vùng bàn chải không đến được, lại thấy nhiều người khen, anh quyết định mua về dùng. Ở nhà và ở cơ quan anh đều có vài chai.

Không chỉ súc miệng sáng và tối sau khi đánh răng, anh Lâm còn làm động tác này sau mỗi lần ăn uống, tổng cộng ngày đến 5 - 6 lần. Nhằm làm sạch triệt để, anh ngậm khá lâu.

Một thời gian sau, Lâm thấy miệng mình rất khô và qua phản ứng của người khác, anh biết hơi thở mình không được dễ chịu. Đi khám răng miệng, bác sĩ cho biết đó là hậu quả của tình trạng lạm dụng nước súc miệng. Không chỉ Lâm mà nhiều người khác cũng có cách vệ sinh răng miệng sai lầm này.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Thắng, Trưởng khoa Nha chu, Viện Răng hàm mặt Hà Nội, cho biết trong nước súc miệng thường có cồn, nhiều sản phẩm có hàm lượng khá cao. Nếu dùng quá nhiều, cồn sẽ làm giảm tiết nước bọt, gây khô miệng.

Trong nước bọt có các men ức chế sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh răng miệng. Vì vậy nước bọt ít đi đồng nghĩa với việc giảm đội quân bảo vệ này. Các vi khuẩn bám trên răng sẽ được dịp hoành hành và khiến hơi thở có mùi hôi.

Vì vậy, tiến sĩ Thắng khuyên chỉ nên dùng nước súc miệng với mức độ vừa phải, theo đúng hướng dẫn về số lần và thời gian dùng.

Nước súc miệng không làm trắng hay chữa sâu răng

Nhiều người nghĩ rằng nước súc miệng có khả năng chống sâu răng, làm trắng răng. Tuy nhiên, theo tiến sĩ Thắng, dung dịch này chỉ có tác dụng kìm khuẩn nhẹ, nghĩa là ức chế sự phát triển của chúng. Nó là biện pháp hỗ trợ cho chải răng, bởi bàn chải không làm sạch được tất cả các khe kẽ. Nếu sử dụng đúng cách, nước súc miệng làm giảm nguy cơ sâu răng (là tình trạng men răng bị hủy do axit mà vi khuẩn trong mảng bám tiết ra, làm thành các lỗ thủng).

Tuy nhiên, một khi răng đã bị sâu thì nước súc miệng không có khả năng điều trị bệnh. Lúc đó, bệnh nhân phải đến nha sĩ để hàn răng.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Thắng cũng khẳng định, nước súc miệng không có tác dụng làm trắng răng. Để làm trắng răng, bệnh nhân phải đến nha sĩ để dùng thuốc tẩy trắng trong một thời gian nhất định. Nhà sản xuất không thể cho các chất tẩy này vào nước súc miệng bởi chúng sẽ gây hại cho lợi.

Ông Thắng cũng khuyến cáo, nước súc miệng chỉ là biện pháp vệ sinh răng miệng hỗ trợ chứ không thay thế được việc đánh răng. Nếu những vụn thức ăn và mảng bám vẫn tồn tại thì vi khuẩn vẫn có chỗ để sinh sôi, và nước súc miệng sẽ không loại trừ chúng được. Vì vậy, dù dùng dung dịch này hay không, bạn vẫn phải đánh răng đầy đủ.

Theo Hải Hà

VNE