Bệnh liên quan vùng miệng

Bệnh thủy đậu và những điều cần biết

Trong 2 tuần vừa qua, theo thống kê của Bệnh viện Nhi Đồng 1 thì số bệnh nhi đến khám tại Khoa Khám bệnh được chẩn đoán bệnh thủy đậu đã lên đến con số 225, và số bệnh nhi thủy đậu nằm điều trị tại khoa Nhiễm đã tăng 30% so với tháng trước. Điều này cho thấy bệnh thủy đậu đã vào mùa cao điểm và dự báo có thể còn tiếp tục tăng thêm trong thời gian tới. Do vậy, các bậc phụ huynh cần lưu ý trong việc chăm sóc trẻ khi bị bệnh, cũng như lưu ý phòng ngừa căn bệnh rất dễ lây lan này.

Bạn biết gì về bệnh thủy đậu?

Đây là một loại bệnh truyền nhiễm gây ra do siêu vi varicella zoster, bệnh lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp. Khi một người bị bệnh thủy đậu ho hay hắt hơi, vô số vi rút sẽ được "bắn" vào không khí và nếu chẳng may hít phải, bé của bạn sẽ có nhiều khả năng bị mắc bệnh. Trong một số ít trường hợp, bệnh cũng có thể lây khi tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ bóng nước trên cơ thể người bệnh thủy đậu.

Dấu hiệu chính của bệnh là những bóng nước lớn nổi trên mặt da và niêm mạc. Người bệnh thủy đậu có thể truyền bệnh cho người khác từ khoảng 5 ngày trước khi bắt đầu xuất hiện bóng nước đầu tiên, và còn có thể tiếp tục gieo rắc mầm bệnh cho đến khi tất cả mụn nước đã đóng thành vảy. Trong đa số trường hợp, bệnh thủy đậu thường nhẹ và sẽ tự khỏi sau vài ngày, nhưng một số ít sẽ diễn tiến nặng và gây ra các biến chứng nguy hiểm.

Làm sao biết bé bị bệnh thủy đậu?

Những triệu chứng điển hình sau đây có thể gợi ý rằng bé của bạn mắc bệnh thủy đậu:

- Bé sốt nhẹ, đau họng, nhức đầu

- Nổi hồng ban có kích thước vài mm, sau đó nhanh chóng chuyển thành bóng nước, lúc đầu chứa dịch trong sau 24 giờ thì hóa đục.

- Bóng nước gây ngứa dữ dội

- Bóng nước xuất hiện ở thân mình, sau đó tiến đến vùng đầu mặt, tay chân

- Bóng nước xuất hiện ở niêm mạc miệng, cơ quan sinh dục

- Sau khoảng 5 ngày, những bóng nước này vỡ ra và đóng mài.

Điều đặc biệt là bạn có thể tìm thấy trên một vùng da những bóng nước ở nhiều giai đoạn khác nhau: cái chứa dịch trong, cái chứa dịch đục, cái đóng mài, cái bong vẩy nằm xen kẽ nhau mà các bác sĩ hay diễn tả bằng cụm từ "mụn nước nhiều tuổi". Khi thấy trẻ có những dấu hiệu trên, phụ huynh cần đưa trẻ đi khám bệnh để được chẩn đoán và điều trị thích hợp.

Bệnh thủy đậu nguy hiểm như thế nào?

Bệnh thủy đậu thường diễn tiến nhẹ nhưng một số ít trường hợp bệnh có thể gây ra những hậu quả như:

- Để lại những sẹo rỗ trên da.

- Viêm mô tế bào do nhiễm thêm vi trùng

- Viêm phổi

- Viêm não

Chăm sóc trẻ bị bệnh thủy đậu tại nhà ra sao?

Bạn nên:

- Cho trẻ nghỉ ngơi, mặc quần áo thoáng mát.

- Dùng thuốc hạ sốt nhưng lưu ý tuyệt đối không dùng aspirine.

- Cho trẻ ngâm trong bồn nước ấm 1 - 3 lần mỗi ngày, lau nhẹ người bằng vải mềm, chú ý không làm vỡ bóng nước.

- Giữ gìn vệ sinh cá nhân để phòng ngừa nhiễm thêm vi trùng.

- Cắt ngắn móng tay cho trẻ, dạy trẻ không được gãi, trẻ nhỏ nên được đeo găng tay để không tự làm vỡ bóng nước.

- Cách ly trẻ bệnh khoảng 5 - 7 ngày để tránh lây lan.

Làm sao để phòng ngừa bệnh thủy đậu?

Bệnh thủy đậu hoàn toàn có thể phòng ngừa được bằng cách tiêm vắc xin cho trẻ. Đối tượng có thể tiêm ngừa bệnh thủy đậu là trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên và chưa từng mắc bệnh thủy đậu. Sau khi tiêm vắc xin, trẻ sẽ đạt được miễn dịch suốt đời.

Bác sĩ Như Huỳnh-BVNĐ1