Chăm sóc răng miệng

Cách chăm sóc và giữ gìn răng miệng cho phụ nữ mang thai

Chế độ dinh dưỡng cân bằng:
  • Răng của trẻ bắt đầu hình thành từ tháng thứ 3 đến tháng thứ 6 trong bụng mẹ. Bất kỳ thức ăn gì mẹ ăn vào cũng sẽ ảnh hưởng đến các răng đang trong giai đoạn phát triển này của trẻ. Điều quan trọng là bà mẹ cần ăn một lượng đầy đủ các chất dinh dưỡng, nhất là sinh tố A, C và D, chất đạm, chất khoáng (calci và phospho) để răng của trẻ được cấu tạo bình thường. Tất cả thức ăn nào tốt cho sức khỏe chung đều tốt cho răng.
  • Một chế độ ăn cân bằng thường cung cấp một lượng các chất dinh dưỡng đầy đủ để nuôi mẹ và con. Calci là chất chủ yếu cần thiết cho sự phát triển răng, chứa nhiều trong các loại cá (cả xương), sữa và các sản phẩm từ sữa, rau cải. Bác sĩ răng hàm mặt hoặc bác sỹ y khoa sẽ viết toa, thêm các chất hỗ trợ cho bà mẹ nếu chế độ ăn không cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết.

Chế độ ăn ngọt:

  • Ăn nhiều đồ ngọt, ăn nhiều lần trong ngày và chểnh mảng vệ sinh răng miệng sẽ gây sâu răng. Quan niệm cho rằng răng sẽ sâu thêm hoặc rụng đi sau mỗi lần mang thai là một quan niệm không đúng. Nhiều phụ nữ tin rằng lúc còn ở trong bụng mẹ, trẻ sẽ lấy calci từ răng mẹ để cấu tạo nên xương và răng của mình. Thực ra, chế độ ăn đầy đủ của mẹ sẽ cung cấp nhu cầu calci cho trẻ. Nếu không được cung cấp đầy đủ, trẻ sẽ lấy các chất cần thiết từ xương để cấu tạo răng, chứ không phải từ răng của mẹ. Sau khi trẻ được sinh ra, thói quen ăn ngọt của bà mẹ cũng sẽ tạo cho trẻ thói quen thích vị ngọt (do việc nêm nếm thức ăn).

Viêm nướu do thai nghén:

  • Lượng kích thích tố tăng trong thời gian mang thai sẽ làm tăng quá mức phản ứng của thai phụ đối với các độc tố được tạo ra bởi các vi khuẩn trong mảng bám răng (màng vi khuẩn không thấy được, bám chặt lên bề mặt răng) làm nướu sưng đỏ, nhạy cảm và dễ chảy máu, gọi là tình trạng viêm nướu do thai nghén. Cần loại bỏ mảng bám khỏi bề mặt răng bằng cách chải răng và sử dụng chỉ nha khoa thật cẩn thận. Khám răng định kỳ đều đặn để giúp nướu của các bà mẹ được khỏe mạnh trong lúc mang thai.

Hậu quả của thuốc và các bệnh mắc phải:

  • Thuốc (Tetracyclin) và các bệnh mắc phải trong lúc mang thai (sởi, giang mai...) có ảnh hưởng lên cấu tạo răng của trẻ, như làm thay đổi hình dạng và màu sắc của răng. Tetracyclin có thể làm sậm màu răng của trẻ. Tránh dùng thuốc, chỉ sử dụng khi thật cần thiết và phải có toa của bác sĩ.

Giữ gìn vệ sinh răng miệng: kiểm soát mảng bám răng ở cả cha và mẹ bằng cách chải răng sau mỗi bữa ăn hoặc tối thiểu hai lần một ngày, sử dụng chỉ nha khoa tối thiểu một lần một ngày. Không bắt buộc dùng thuốc súc miệng.

Khám và điều trị răng miệng: Thời gian tốt nhất để thai phụ đi khám và điều trị răng miệng là từ tháng thứ 4 đến tháng thứ 6. Khi khám răng miệng, cần báo cho bác sĩ răng hàm mặt biết là đang mang thai... Điều này sẽ giúp các bác sĩ đưa ra phương pháp điều trị tốt nhất cho bạn và đứa con chưa sinh ra.

(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)