Bệnh thời sự

Dự báo bệnh trẻ em tháng 8 năm 2009


So với những năm trước, tháng 8 năm nay là thời điểm hội tụ nhiều yếu tố liên quan đến tình hình bệnh trẻ em. Trước hết phải kể đến là sự hiện của bệnh cúm A (H1N1) tại một số trường học ở thành phố Hồ Chí Minh và mới đây là ở Hà Nội. Tháng 8 cũng là tháng cao điểm của bệnh sốt xuất huyết và thống kê tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho thấy bệnh sốt xuất huyết tăng cả về số lượt khám, số bệnh nhân nhập viện lẫn số trường hợp nặng (có sốc); Bệnh tay chân miệng vẫn còn duy trì ở mức cao và vẫn còn nhiều trường hợp nặng nhập viện. Để hiểu rõ hơn về tình hình bệnh trẻ em trong tháng 8, chúng tôi đã trao đổi với Tiến sĩ bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng, Phó Giám Đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1:

Hỏi: Xin bác sĩ cho biết trẻ có triệu chứng nào thì nghi nhiễm cúm A (H1N1) ?

Trả lời: Một trẻ được nghi ngờ là nhiễm cúm A (H1N1) khi có đầy đủ hai yếu tố sau:

(1) Sốt từ 38 độ trở lên và kèm theo các triệu chứng về hô hấp như: viêm long đường hô hấp, ho hoặc đau họng;

(2) Có yếu tố tiếp xúc với người bị nhiễm cúm A (H1N1).

Trong đó, yếu tố tiếp xúc với người bị nhiễm cúm A là rất quan trọng.

Hỏi: Khi nghi ngờ trẻ bị nhiễm cúm A (H1N1) thì phải làm sao?

Trả lời: Khi trẻ có đầy đủ các yếu tố nghi ngờ bị nhiễm cúm A (H1N1) thì phải thông báo ngay cho cơ quan y tế địa phương để được hướng dẫn điều trị, theo dõi và cách ly.

Hỏi: Xin bác sĩ cho biết các biện pháp phòng ngừa bệnh cúm A (H1N1) ?

Trả lời: Cho đến hiện nay vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh cúm A (H1N1) nên để phòng bệnh cúm nói chung và cúm A nói riêng cần thực hiện và hướng dẫn cho các cháu biết các biện pháp phòng bệnh sau:

(1) Khi ho hoặc hắt hơi phải dùng khăn giấy che miệng và mũi lại. Hoặc có thể ho hoặc hắt hơi vào phần tay áo phía trên khuỷu, đừng ho hoặc hắt hơi vào bàn tay. Sau khi bỏ khăn giấy vào thùng rác cần rữa sạch tay bằng xà phòng hoặc sát trùng tay bằng dung dịch sát trùng nhanh.

(2) Không dùng chung khăn với người khác.

(3) Phải tăng cường rửa tay bằng xà phòng hoặc sát trùng tay bằng dung dịch sát trùng nhanh sau khi tiếp xúc với những bề mặt có nguy cơ, sau khi chăm sóc người bệnh, sau khi đi vệ sinh, sau khi ho hoặc hắt hơi.

(4) Nên mang khẩu trang y tế hoặc đứng cách xa trên 1 mét đối với những người đã được xác định là đang mắc bệnh hoặc người nghi nhiễm cúm A (H1N1).

(5) Để nhà cửa thông thoáng bằng cách mở rộng cửa sổ, cửa ra vào, hạn chế dùng máy lạnh.

(6) Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, để tinh thần thoải mái, sảng khoái giúp nhanh chóng hồi phục sức khỏe.

Hỏi: Đối với bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng, bác sĩ có lời khuyên gì cho các bậc phụ huynh ?

Trả lời: Các bậc phụ huynh không nên quá lo lắng về bệnh cúm A (H1N1) mà lơ là cảnh giác hai bệnh nguy hiểm này. Đối với những bệnh nhi bị sốt từ ngày thứ ba trở lên mà chưa tìm thấy nguyên nhân cần đưa đến bệnh viện thử máu để tìm bệnh sốt xuất huyết. Những bệnh nhân đang theo dõi sốt xuất huyết cần đưa đến bệnh viện ngay khi có một trong những dấu hiệu sau:

(1) Chân tay lạnh và mạch nhanh, yếu.

(2) Nằm li bì, bỏ ăn uống.

(3) Đau bụng vùng gan, kèm nôn ói.

(4) Chảy máu mũi, máu răng; nôn ra máu hoặc tiêu phân đen.

Đối với những bệnh nhân bị loét họng, hoặc có nốt hồng ban ở lòng bàn tay, lòng bàn chân cần được đưa đến bác sĩ chuyên khoa Nhi khám để tầm soát bệnh tay chân miệng. Khi đã xác định bệnh tay chân miệng, phụ huynh cần lưu ý những dấu hiệu nặng để đưa đến bệnh viện kịp thời: (1) Sốt cao; (2) Nôn ói nhiều; (3) Giật mình, hốt hoảng, khó ngủ; (4) Run hoặc yếu tay, chân dẫn đến đi đứng loạng choạng. Khi thấy cháu có một trong những dấu hiệu trên phải đưa đến bệnh viện ngay.

Cám ơn bác sĩ.

Thanh Nhàn-BV Nhi Đồng 1