Pháp luật & đạo đức nha khoa

Đừng để bệnh nhân trở thành... vật thí nghiệm



Y đức là đề tài được nhắc đi nhắc lại nhiều lần và gần đây nhất lại được đưa ra một lần nữa với đề tài nghiên cứu cấp bộ về vấn đề này. Trên TTCT số ra ngày 9-8-2009, giáo sư Nguyễn Văn Tuấn đã phân tích một khía cạnh khác của y đức trong vấn đề điều trị, vấn đề nghiên cứu khoa học. Ở một lĩnh vực khác mà y đức cũng đang vi phạm đó là phẫu thuật.

Trong thời điểm hiện tại với sự phát triển nhanh chóng của mạng Internet trên toàn cầu, các kỹ thuật nghe nhìn hiện đại đã giúp việc truyền bá, thu thập kiến thức giữa các nơi trên thế giới trở nên dễ dàng hơn nhiều.

Tuy nhiên, kỹ thuật phẫu thuật không chỉ có lý thuyết mà còn phải được áp dụng thành thạo trước khi ứng dụng điều trị trên người.

Khi khoa học càng phát triển, xã hội càng hiện đại văn minh thì con người trở thành trung tâm phục vụ các hoạt động xã hội, kể cả hoạt động điều trị. Vấn đề y đức trong phẫu thuật được đặt ra là: làm sao để người bệnh không phải là người bị thí nghiệm cho các phương pháp phẫu thuật mới? (mới ở đây có nghĩa là lần đầu tiên được áp dụng trên người hay mới theo nghĩa phẫu thuật được áp dụng ở một nước khác sau khi đã triển khai ở những nước tiên tiến).

Những sai sót trong y khoa do thầy thuốc gây ra trên phương diện phẫu thuật phải ngày càng bị hạn chế tối đa bằng nhiều biện pháp khác nhau như: đào tạo bác sĩ có kỹ năng tiền lâm sàng trước khi tham gia khám chữa bệnh; đào tạo phẫu thuật viên thành thạo các kỹ thuật phẫu thuật trước khi ứng dụng trên bệnh nhân bằng các khóa học thực hành trên thi thể... Tuy nhiên tại Việt Nam các biện pháp chế tài bằng luật pháp chưa có để có thể khiến việc áp dụng một cách vội vã hay áp dụng khi chưa thành thạo phương thức phẫu thuật sẽ bị hạn chế tối đa.

Nhiều kỹ thuật phẫu thuật chỉ mới được giới thiệu và phẫu thuật biểu diễn trên bệnh nhân đã được đem ra áp dụng mà chưa được đào tạo qua những khóa học mô hình hay trên thi thể hoặc động vật. Điều này rõ ràng bệnh nhân trong một ý nghĩa nào đó đã trở thành người bị thí nghiệm.

Dựa trên những phát triển như vậy, ở các nước, nhiều trường đại học, bệnh viện, trung tâm viện trường y khoa đã hình thành và phát triển các trung tâm phẫu thuật thực nghiệm nhằm phục vụ mục đích nghiên cứu, giảng dạy, chuyển giao, nhận chuyển giao kỹ thuật phẫu thuật cho các bác sĩ hay dược sĩ. Bác sĩ trước khi ra trường, phẫu thuật viên muốn cập nhật kỹ thuật phẫu thuật hay muốn phát triển kỹ thuật mới đều tìm đến các trung tâm này như một phương tiện giúp họ phát triển tay nghề, thực hiện các ý tưởng.

Việt Nam đã thật sự hội nhập với cộng đồng thế giới thông qua việc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới. Các lĩnh vực khác như y khoa cũng không thể đứng ngoài dòng chảy hội nhập này. Muốn thật sự hòa mình vào sinh hoạt chung của giới y khoa thế giới, không cách gì khác hơn là phải có những điểm tương đồng trong vấn đề thực hành y đức trong phẫu thuật như các nước trên thế giới.

Để giải quyết khía cạnh y đức trong phẫu thuật, chỉ có một cách duy nhất là các trường đại học y khoa phải đi đầu trong việc hình thành các trung tâm phẫu thuật thực nghiệm, giúp đào tạo các phẫu thuật viên thành thạo tay nghề trước khi họ cầm dao mổ trên người bệnh. Một trung tâm như vậy sẽ là bệ phóng cho các ý tưởng mới hay cho các cải tiến trong kỹ thuật phẫu thuật mà không sợ vi phạm y đức.

Bs TĂNG HÀ NAM ANH
(ĐH Y dược TP.HCM)-tuoittre