Bệnh thời sự

Điều trị cúm A(H1N1) tại nhà : Cách chăm sóc bệnh nhân và phòng tránh lây lan bệnh cho người thân trong gia đình

Những trường hợp cúm nhẹ, không có biến chứng có thể điều trị tại nhà nếu có chỉ định của thầy thuốc.

1. Cách ly người bệnh :

+ Để người bệnh trong phòng riêng hay nơi cách biệt ít nhất 7 ngày kể từ khi bắt đầu có các biểu hiện cúm cho đến 24 giờ sau khi không còn các triệu chứng bệnh.

Phòng của người bệnh phải được đóng cửa và ở cách xa khu sinh hoạt chung của gia đình(nhà bếp, nhà vệ sinh, phòng tắm , phòng khách...). Nếu có điều kiện, nên có phòng tắm, nhà vệ sinh riêng cho người bênh và càng gần phòng người bệnh càng tốt. Việc ăn uống của người bệnh nên được thực hiện trong phòng bệnh .

+ Người bệnh nên hạn chế tối đa việc đi ra khỏi phòng và tiếp xúc với người xung quanh, nhất là với nhóm người có nguy cơ dễ bị bệnh cúm nặng ( cúm có biến chứng). Khi cần thiết bắt buộc phải ra khỏi phòng (đi vệ sinh, đi tắm rửa, đi khám bệnh...), người bệnh phải mang khẩu trang che kín mũi miệng.

+Người bệnh nên ăn các thức ăn mềm, dễ tiêu, uống nhiều nước và nước hoa quả, uống thuốc theo đơn của bác sĩ, không uống thuốc kháng vi-rút khi không được chỉ định của thầy thuốc.

2. Phòng tránh bệnh cho người thân trong gia đình:

+ Nếu có thể được, nên chọn duy nhất một người khỏe mạnh trong gia đình trực tiếp chăm sóc người bệnh.

+ Không nên để những người thuộc nhóm người có nguy cơ dễ bị bệnh cúm nặng (trẻ em, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang cho con bú, người có bệnh mạn tính, người bị bệnh tim , phổi..., người lớn trên 65 tuổi) trực tiếp chăm sóc người bệnh .

+ Tất cả những người trong gia đình phài nghiêm túc thực hiện việc rửa tay:

· Rửa tay ngay sau mỗi lần tiếp xúc với người bệnh, sau mỗi khi đi ra khỏi phòng của người bệnh, sau mỗi lần đi ra khỏi phòng tắm, nhà vệ sinh có người bệnh sử dụng.

· Rửa tay thường xuyên nhiều lần trong ngày với nước và xà phòng hoặc chà xát hai bàn tay vào nhau với chất diệt khuẩn.

+ Hạn chế tối đa việc tiếp xúc với người bệnh, khi cần tiếp xúc phải mang khẩu trang che kín mũi miệng.

+ Mỗi người trong gia đình nên có khăn mặt, khăn lau tay riêng với màu sắc khác nhau để không bị lẫn lộn.

+ Không dùng chung ly, tách, chén, muỗng, đũa, chăn màn,chiếu, gối... với người bệnh.

+ Những khu vực sinh hoạt chung trong gia đình (nhà vệ sinh, phòng tắm, nhà bếp, phòng khách...) phải được mở cửa thường xuyên để được thông thoáng.

+ Tham khảo ý kiến của thầy thuốc về chỉ định dùng thuốc kháng vi-rút dự phòng cho những người thuôc nhóm có nguy cơ dễ bị bệnh cúm nặng trong gia đình .

+ Tất cả các thành viên trong gia đình và người trực tiếp chăm sóc người bệnh phải tự đo thân nhiệt mỗi ngày và chú ý phát hiện triệu chúng cúm để được xử trí kịp thời.

3. Phòng tránh bệnh cho người trực tiếp chăm sóc người bệnh:

+ Tránh tiếp xúc trực diện mặt đối mặt với người bệnh, khi tiếp xúc phải mang khẩu trang.

+ Nếu bệnh nhân là em bé, khi bồng ẵm nên bế em bé vác vai, mặt em bé tựa lên vai người bế để tránh bị em bé ho vào mặt.

+ Rửa tay ngay sau mỗi lần cởi bỏ khẩu trang, sau mỗi lần tiếp xúc , sờ chạm vào người bệnh hoặc các vật dụng cá nhân của người bệnh ( chăn , mền , chiếu, gối, quần áo, ly chén , muỗng đũa...)

4 Vệ sinh phòng bệnh, nhà ở và xử lý các đồ dùng cá nhân của người bệnh:

+ Thường xuyên lau chùi sàn nhà, sàn phòng, phòng tắm, nhà vệ sinh, bàn ghế, tủ đầu giường, đồ chơi ...mỗi ngày bằng các hóa chất thường dùng hằng ngày.

+ Các đồ dùng bằng vải của người bệnh ( quần áo, chăn, mền, áo gối, khăn lau, khẩu trang ...) có thể giăt bằng máy hoặc giặt tay nhưng phải giặt ngay sau mỗi lần thay, tránh để lại.

+ Những vật dụng không tái sử dụng của người bệnh (khăn giấy, khẩu trang giấy...) phải cho vào túi nylon, buộc lại và bỏ vào thùng rác, tránh vứt bừa bãi lung tung.

+ Ly, tách, muỗng, đũa, chén ... của người bệnh phải được rửa ngay sau mỗi lần dùng bằng xà phòng với nước.

Bs Vĩnh Thu Trang ( Theo tài liệu của CDC- Hoa Kỳ)

Tin bài do T4G TP.HCM cung cấp