Bệnh nha chu

Viêm nha chu: Biến chứng thứ sáu của tiểu đường

Bệnh nhân tiểu đường nên vệ sinh răng miệng thường xuyên và đúng cách, bởi nếu xem thường có thể dẫn đến nhiều rắc rối cho sức khỏe. Ngày 1-7, Bệnh viện (BV) Răng Hàm Mặt TPHCM tiếp nhận bệnh nhân H.T.B.T, 61 tuổi, trong tình trạng sưng đau vùng má phải, không ăn uống được, sốt cao, lên cơn lạnh run, tim đập nhanh, suy hô hấp.

Qua chẩn đoán, các bác sĩ tại Khoa Cấp cứu ghi nhận bệnh nhân T. bị áp-xe quanh răng hàm dưới má phải. Trước đó 10 ngày, bà T. bị sưng đau má phải và đã tự dùng thuốc kháng sinh giảm đau nhưng bệnh càng diễn tiến nặng hơn. Qua xét nghiệm máu, bác sĩ phát hiện đường huyết lên đến 248 mg/lít và máu bị nhiễm độc từ vết loét trong miệng.

Suýt tử vong do nhiễm độc máu cấp tính

Đây là một trong những bệnh nhân đến điều trị nhiễm trùng răng miệng tại BV Răng Hàm Mặt được tình cờ phát hiện bệnh tiểu đường. Bác sĩ Nguyễn Chí Cường, Phó Khoa Hàm Mặt BV Răng Hàm Mặt, cho biết để ngăn chặn tình trạng nhiễm độc máu cấp tính diễn tiến có thể gây tử vong, bệnh nhân T. đã được các bác sĩ tiến hành rạch tháo mủ nhanh, rửa ô-xy già vết loét. Đây là trường hợp nhiễm độc máu cấp tính trên cơ địa tiểu đường nhưng bệnh nhân không ý thức được mình bị bệnh. Trước đó, bệnh nhân không kiểm soát đường huyết nên tình trạng nhiễm trùng diễn tiến nặng rất nhanh.

Trung bình mỗi tháng BV Răng Hàm Mặt tiếp nhận điều trị cho 5 trường hợp nhiễm trùng răng miệng trên cơ địa tiểu đường, hầu hết đều ở giai đoạn nặng và được phát hiện tiểu đường tình cờ qua xét nghiệm máu.

Nguy cơ viêm nhiễm vùng miệng cao

  • Từ trước đến nay, những biến chứng chủ yếu của bệnh tiểu đường được ghi nhận là bệnh võng mạc ở mắt, suy thận, bệnh thần kinh, bệnh ở các mạch máu lớn, biến chứng bàn chân tiểu đường. Theo TS-BS Nguyễn Cẩn, Phó Chủ tịch Hội Răng Hàm Mặt TPHCM, hiện nay y văn thế giới đã công nhận viêm loét trong miệng (cụ thể hơn là viêm nha chu) là biến chứng thứ sáu của bệnh tiểu đường.

Khảo sát của Khoa Răng Hàm Mặt Đại học Y Dược TPHCM cho thấy bệnh nhân tiểu đường có nguy cơ bị viêm nha chu cao gấp 2,8 đến 3,4 lần người không bị tiểu đường. Ở nhiều người, vi khuẩn gây viêm nướu và viêm nha chu có trong mảng bám và trong cao răng với số lượng lớn, chờ thời cơ để gây viêm nhiễm. Tuy nhiên trong trường hợp suy giảm miễn dịch hoặc ở bệnh nhân tiểu đường, dù với số lượng nhỏ vi khuẩn vẫn có thể gây bệnh nặng, vết loét lan rộng nhanh chóng dễ dẫn đến tử vong do nhiễm độc máu.

Không những bệnh tiểu đường gây ảnh hưởng lớn đến tình trạng viêm nhiễm răng miệng, ngược lại nguy cơ mắc bệnh răng miệng cũng tác động đến việc kiểm soát đường huyết. Khảo sát của Khoa Răng Hàm Mặt Đại học Y Dược cũng ghi nhận 7 trong 9 bệnh nhân tiểu đường sau khi được điều trị viêm nha chu thì đường huyết giảm đáng kể, có trường hợp đường huyết trở lại bình thường. TS-BS Nguyễn Cẩn khuyên bệnh nhân tiểu đường cần quan tâm đến việc vệ sinh răng miệng thường xuyên và đúng cách, cạo cao răng và làm láng chân răng, phẫu thuật nha chu và trám răng...

Theo Người Lao Động