Ung thư vùng miệng

Ung thư vòm họng

Trên 30 năm trước, ung thư vòm còn được gọi là ung thư Quảng Đông (Cantonese cancer) vì tỉnh này (ở Trung Quốc) có tỷ lệ bệnh cao nhất thế giới. Tại các quốc gia Âu Mỹ và Phi thì tỷ lệ ở những người da trắng và da đen thấp hơn nhiều, ở những quốc gia đó phần đông trong số người bị ung thư vòm họng cũng thường là những người Trung Hoa di cư hoặc con cháu của họ, đặc biệt con cháu những người di cư từ tỉnh Quảng Đông từ một vài thế hệ trước đến nay vẫn chiếm tỷ lệ cao hơn những người bản địa.

Theo Hiệp hội chống ung thư thế giới (UICC), loại ung thư này chiếm 1% của tất cả các loại ung thư. Tuổi 40 - 50 là độ tuổi bị nhiều nhất, rất hiếm gặp dưới 20 tuổi, tuy nhiên cũng có báo cáo ghi nhận trường hợp dưới 5 tuổi mắc bệnh, nam mắc bệnh nhiều hơn nữ theo tỷ lệ 2,5 so với 1 (2,5 : 1). Bệnh phân bổ ở Trung Quốc, đặc biệt các tỉnh phía nam như Quảng Đông, Phước Kiến, Hải Nam và đặc khu Hồng Kông là cao nhất thế giới, kế đến là Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, còn Âu - Mỹ - Phi như đã nói ở trên thì hiếm hơn nhiều.

Nguyên nhân

Cho đến ngày nay nguyên nhân của ung thư vòm vẫn không biết một cách chính xác, mặc dù có nhiều giả thuyết về nguyên nhân như có sự hiện diện của vi-rút Epstein-Barr (EBV) ở bệnh nhân ung thư vòm, hút thuốc lá hoặc thường tiếp xúc với khói, hóa chất, nhang... Đặc biệt chế độ ăn uống có tính đặc thù của cư dân duyên hải Trung Hoa và giáp Trung Hoa cũng được đề cập như món cá tẩm muối kiểu Quảng Đông (cá khô), sốt cá lên men, tôm muối nhồi bột, nước tương, dầu hào (vì có chất 3-MPCD và 1,3 DCP được cho là chất sinh ung thư), sữa đậu đông lên men, hột vịt muối, nho để trữ lâu (nho khô), rau quả đóng hộp để lâu... Hiện nay, giới khoa học đang tập trung nghiên cứu về sự tác động qua lại giữa những yếu tố cơ địa (host factors), sự nhiễm vi-rút EBV và chế độ ăn uống truyền thống địa phương như đã nêu.

Triệu chứng

- Hạch cổ nổi một bên là triệu chứng rất thường gặp, hạch cứng kích thước có thể từ 2-3 cm đến 7-8 cm, xung quanh không có dấu viêm nhiễm như sưng, nóng đỏ và đau, ban đầu di động, sau đó thì dính vào tổ chức xung quanh, vị trí thường là góc hàm, bên cổ.

- Nghẹt mũi là thường gặp lúc đầu một bên sau có thể nghẹt cả hai bên hoặc ban đầu là chảy máu mũi, chảy nhiều lần mỗi lần một ít, hoặc chảy chất nhầy từ mũi do viêm xoang thứ phát sau ung thư.

- Ù tai hoặc nghe kém, đau trong tai và vùng thái dương.

- Nhức đầu, đau quanh mắt, sau ổ mắt, hoặc tê vùng má, tuy nhiên có thể bị lé mắt do ung thư xâm lấn gây liệt dây thần kinh.

Chẩn đoán và điều trị

Soi mũi và lấy một "miếng thịt" trong mũi để thử (còn gọi là sinh thiết) là điều bắt buộc phải làm và cũng là duy nhất để có chẩn đoán chính xác, sinh thiết qua mũi bằng nội soi để xác định bệnh là rất chính xác vì qua màn hình bác sĩ thấy rõ nơi cần đến và bấm chỗ nào đúng nhất. Cũng cần lưu ý rằng kết quả sinh thiết âm tính không có nghĩa là không có ung thư, cần làm sinh thiết lại nếu thấy rằng kết quả này không phù hợp với khám trên bệnh nhân. Bệnh nhân ung thư vòm thường được khám và phát hiện bởi bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng vì các triệu chứng ù tai, nghẹt mũi, chảy nước mũi... nhưng được điều trị xạ trị bởi bác sĩ chuyên khoa ung thư, việc tái khám để theo dõi kết quả điều trị được phối hợp bởi liên chuyên khoa này, một số trường hợp còn phải kết hợp xạ trị và phẫu thuật lấy hạch cổ tái phát.

Kết quả tùy thuộc vào việc bệnh nhân đi khám sớm hay muộn, càng phát hiện bệnh sớm tỷ lệ khỏi càng cao, thường tỷ lệ sống sau 5 năm kể từ khi được phát hiện là khoảng 40 - 60% (tại Việt Nam). Ở Singapore và Hồng Kông thì tỷ lệ này là trên 80%.

BS Nguyễn Trọng Minh
(BV Chợ Rẫy, TP.HCM)