Bệnh liên quan vùng miệng

Các bệnh gây ra do thuốc lá

Khi nói đến các bệnh gây ra do thuốc lá bà con ta thường chỉ nghĩ đến các bệnh có liên quan trực tiếp đến đường hô hấp như viêm họng, viêm phế quản mãn hay ung thư phổi. Nhưng trên thực tế, những chất độc từ khói thuốc lá đã thâm nhập khắp nơi trong cơ thể, gây ra bệnh lý gần như ở tất cả cơ quan trong cơ thể người.

I. Vậy trong khói thuốc lá có gì?

  • Trong khói thuốc lá có hơn 4.000 chất đã được định dạng, trong đó có 40 chất gây ung thư, có carbon monoxide làm thiếu oxy giao cho mô và có nicotin gây nghiện. Nicotin trong thuốc lá có đầy đủ tiêu chuẩn cùng một chất gây nghiện mạnh.

Cũng như Heroine, cocaine và rượu, nicotine làm người là cứ phải tìm thuốc để hút. Hút thuốc lá là dạng nghiện phổ biến nhất hiện nay trên thế giới.

II.Thuốc lá gây bệnh như thế nào và gây nên những bệnh gì?

A. Thuốc lá gây ra 4 bệnh tử vong hàng đầu:

1. Thứ nhất là bệnh phổi tắc nghẽn mạn (BPTNM)

- Bệnh xảy ra vì khói thuốc lá kích thích đường thở, làm đường thở bị viêm nhiễm và tăng phản ứng. Khi bị viêm, đường thở tiết nhiều đàm, các lông run dùng để chuyển chất bẩn ra khỏi phổi bị tê liệt, bị phá hủy, vì vậy người hút thuốc lá dễ bị cảm cúm, viêm họng, viêm phế quản và viêm phổi hơn người không hút.

- Tình trạng viêm kinh niên tại phổi làm cho các tế bào viêm kéo đến, tiết ra những chất phá hủy nhu mô phổi. Tất cả dẫn đến tình trạng nghẽn tắc đường thở do đàm nhớt bên trong đường thở, do viêm nhiễm của đường thở và thiếu nhu mô phổi bên ngoài để giúp căng đường thở. Tình trạng bệnh lý này gọi là bệnh phổi tắc nghẽn mãn, lúc đầu bệnh biểu hiện bằng những triệu chứng không đáng kể như ho, có đàm và chỉ khó thở khi làm việc nặng, chỉ được chẩn đoán sớm bằng hô hấp ký (biểu đồ đo hô hấp).

Ngoài việc chức năng phổi kém hơn người không hút, chức năng phổi người hút thuốc còn suy giảm nhanh hơn từ 2 - 4 lần so với người bình thường.

Càng về sau, người bệnh ngày càng khó thở. Lúc đầu chỉ khó thở khi làm việc nặng, sau tiến đến khó thở mỗi khi tắm rửa, thay quần áo, ăn uống hay ngay cả lúc không làm gì cả. Bệnh sẽ dẫn đến những cơn kịch phát cấp của bệnh phổi tắc nghẽn mãn, người bệnh phải nhập viện cấp cứu, phải thở oxy, nhiều trường hợp phải thở máy. Bệnh kéo dài trong 20 năm, với những cơn kịch phát cấp. Bệnh nhân trở nên tàn phế, không lao động được, không tự phục vụ được. Cuộc sống không còn chất lượng và thường tử vong do suy hô hấp. Do đó phải phát hiện sớm những người bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn trong số những người hút thuốc lá. Hô hấp ký là phương pháp duy nhất để chẩn đoán sớm bệnh phổi tắc nghẽn mãn. Hô hấp ký giúp phát hiện BPTNM 20 năm trước khi người bệnh khó thở. BPTNM sẽ không có hoặc rất hiếm có nếu người ta không hút thuốc lá.

2. Thứ hai là các bệnh có liên quan đến ung thư:

· Tình trạng nghẽn tắc đường thở, tê liệt hệ thống lông run đã làm cho 40 chất gây ung thư có sẵn trong thuốc lá càng dễ ứ đọng tại đường hô hấp. Các chất gây ung này sẽ biến đổi các tế bào phổi bình thường thành tế bào ung thư. Khói thuốc lá trực tiếp gây ung thư hầu họng, ung thư phổi và ung thư thực quản. Cần lưu ý là ung thư phổi là loại ung thư gây tử vong hàng đầu cho nam giới ở phía Bắc Việt Nam, và là hàng thứ hai ở Nam Việt Nam. Khói thuốc lá còn hỗ trợ cho việc phát triển ung thư ở các nơi ngoài đường hô hấp như: bàng quang, thận, đường tiểu, tụy tạng, dạ dày và cổ tử cung.

· Người hút thuốc trước 15 tuổi sẽ có nguy cơ bị ung thư gấp 4 lần người hút thuốc sau 25 tuổi. Người đã bị BPTNM mà vẫn hút thuốc lá thì nguy cơ bị ung thư phổi tăng từ 3 - 7 lần so với người bình thường.

3. Thứ ba là một số các bệnh rất nguy hiểm.

· Trong khói thuốc lá còn chứa những chất rất độc như carbon monoxide (CO), chất gây nên tình trạng thiếu oxy của nhu mô phổi. Ngoài ra, thuốc lá còn sinh ra từ 10 đến 17 gốc tự do gây oxyd hóa. Các chất này cùng với carbon monoxide làm lớp tế bào lót bên trong mạch máu dễ bị tổn thương, làm mạch máu bị co thắt khiến cho máu dễ đông hơn. Toàn bộ những rối loạn này gây nên tình trạng xơ vữa mạch máu, làm cho các mạch máu bị tắc nghẽn gây ra cơn đau tim, nhồi máu cơ tim, dễ dẫn đến chết đột ngột (đột tử). Ở người hút thuốc hiện tượng đột tử do bệnh lý mạch vành tăng từ 2 cho đến 4 lần so với người không hút thuốc.

· Hút thuốc lá dài lâu sẽ làm cho các mạch máu bị tổn thương vĩnh viễn.

· Xơ vữa động mạch còn gây tai biến mạch máu não làm cho bệnh nhân tử vong hay phải nằm liệt giường, hoặc bị liệt nửa người. Nguy cơ bị TBMM não ở người hút thuốc cao gấp 4 lần so với người không hút thuốc.

· Xơ vữa động mạch, co thắt mạch máu do khói thuốc lá còn dẫn đến bệnh viêm tắc mạch máu ngoại biên làm bệnh nhân rất đau đớn và bị hoại tử các chi.

Như vậy, 4 loại bệnh gây tử vong hàng đầu trên thế giới là: cơn đau tim, tai biến mạch máu não, ung thư phổi, và BPTNM đều có vai trò to lớn của thuốc lá.

B. Ngoài 4 bệnh gây tử vong hàng đầu, thuốc lá còn ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của người hút:

- Đối với nam giới thuốc lá làm giảm số lượng tinh trùng, giảm hoạt động tinh trùng, liệt dương và dễ vô sinh.

- Ở nữ giới, thuốc lá làm giảm kích thích tố nữ, gây tắc kinh sớm, gây vô sinh và loãng xương dẫn đến gãy xương đùi, xẹp cột sống.

- Đối với thai nghén, phụ nữ hút thuốc dễ bị thai ngoài tử cung, sẩy thai do bong nhau, nhau tiền đạo và thai chết lưu. Hoặc nếu sinh được, thì dễ bị sinh non, thai nhẹ cân, thai nhi dị dạng, đặc biệt là bệnh tim bẩm sinh.

Người mẹ hút thuốc lá còn gây những ảnh hưởng lâu dài trên trẻ sau này: trẻ có nguy cơ chậm phát triển, kém thông minh, dễ trầm cảm, rối loạn hành vi, dễ nghiện và dễ gây ung thư hơn trẻ khác.

III. Thuốc lá và bệnh nghề nghiệp:

- Đối với công nhân, nông dân hút thuốc lá làm tăng rõ rệt nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp. Trong các ngành nghề có tiếp xúc với than, silicat, các loại hạt hay bụi bông trong ngành dệt may, khai thác mỏ, nông nghiệp, xay xát lúa, công nhân lại hút thuốc thì càng để bị bệnh viêm phế quản mạn.

- Những công nhân làm việc nơi có chất gây dị ứng như platinum, các loại hạt, các loại bụi trong các ngành xây dựng, dệt may, nông nghiệp, ngành mộc sẽ dễ bị suyễn hơn nếu có hút thuốc lá.

- Những công nhân tiếp xúc với asbestos, random, arsenic, khói diesel, các amines thơm và silicat sẽ dễ bị ung thư hơn nếu có hút thuốc.

IV. Những tác hại khác của thuốc lá:

- Người hút hơn 20 điếu thuốc một ngày sẽ dễ bị cườm mắt gấp 2 lần người không hút.

- Những nếp nhăn trên da sẽ nhiều hơn, sâu hơn, nên người hút thuốc trông già hơn tuổi.

- Tóc dễ bị bạc, dễ bị rụng hơn.

- Dễ bị viêm quanh chân răng.

- Giảm sức nghe.

- Dễ bị loét dạ dày.

- Dễ bị són tiểu hơn, nhất là phụ nữ.

- Giảm hocmon tuyến giáp.

Một vấn đề khác, ngày càng được nhiều nhà khoa học quan tâm đó là việc hút thuốc lá thụ động:

· Những người sống và làm việc trong môi trường khói thuốc lá vẫn bị tác động dù chính mình không hút. Người ta gọi là hút thuốc lá thụ động do khói thuốc lá tỏa ra trong môi trường. Trong khói thuốc lá thải vào môi trường có nhiều chất độc có nồng độ còn cao hơn trong khói của chính người hút.

· Trẻ con là nạn nhân chính của việc hút thuốc lá thụ động. Những đứa trẻ này dễ bị các bệnh nhiễm trùng hầu họng, viêm phổi, viêm phế quản, phát bệnh suyễn, kể cả đột tử. Các bệnh khác như chàm, viêm tai, bệnh não mô cầu cũng dễ xảy ra hơn ở trẻ bị hút thuốc lá thụ động.

· Người vợ có chồng hút thuốc lá dễ bị bệnh mạch vành, dễ bị ung thư phổi từ 1,2 - 2 lần nhiều hơn các bà vợ có chồng không hút.

V. Tuy thuốc lá gây ra nhiều bệnh như thế, nhưng tất cả các bệnh trên đều có thể phòng ngừa được bằng cách cai thuốc lá.

Bằng quyết tâm của chính mình chúng ta hoàn toàn có thể thành công trong việc cai thuốc lá, không nên giữ một thói quen vừa tốn tiền, vừa có hại cho sức khỏe của bản thân và những người quanh mình như việc hút thuốc lá. 90% số người hút, bắt đầu trước tuổi 20. Những hoàn cảnh dễ đưa đến việc hút thuốc lá là trẻ bỏ học, có cha mẹ bạn bè hút thuốc, cha mẹ ly dị và thu nhập thấp.

Cai thuốc lá ở bất kỳ tuổi nào, dù đau yếu hay khỏe mạnh cũng đều có lợi bởi tất cả các bệnh nêu trên đều có thể phòng ngừa được bằng cách cai thuốc lá. Nếu phải cai nhiều lần mới thành công thì cũng là chuyện bình thường. Người ta nhận thấy người cai được thuốc lá trước 35 tuổi, chức năng hô hấp có thể trở về bình thường. Nếu hút thuốc dưới 20 năm, đã cai được 10 năm thì nguy cơ ung thư phổi giảm xuống bằng với người không hút. Ngưng hút được một năm, nguy cơ tử vong bệnh mạch vành giảm được ½ và sẽ còn tiếp tục giảm theo thời gian ngưng hút.

Các bác sĩ có thể giúp đỡ người bệnh cai thuốc thành công với tâm lý liệu pháp, biện pháp thay thế nicotin và dùng bupropion. Có từ 10 - 30% người hút thuốc lá bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn. Nếu có chương trình hỗ trợ cai thuốc lá thì nên tập trung hỗ trợ cho những đối tượng này. Bởi bản thân BPTNM không những là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu mà còn là tiền đề cho 3 bệnh gây tử vong hàng đầu khác là bệnh mạch vành, tai biến mạch máu não và ung thư nữa.

* Kết luận:

Các nỗ lực cai thuốc lá của từng cá nhân phải có sự hỗ trợ của cộng đồng và sự can thiệp của Chính phủ.

- Cần tăng giá thuốc lá bằng cách tăng thuế (ở Mỹ, người ta đề nghị tăng thêm 4 USD mỗi gói thuốc). Việc nâng giá thuốc lá sẽ trực tiếp làm giảm việc bắt đầu hút thuốc ở trẻ em và trẻ vị thành niên.

- Cấm hút thuốc nơi làm việc và nơi công cộng, cấm tiếp thị thuốc lá dưới mọi hình thức. Các đơn vị y tế mở nhiều điểm hỗ trợ cai thuốc cho người dân với đầy đủ các phương tiện. Các phương tiện truyền thông tuyên truyền liên tục về tác hại của thuốc lá. Nói chung là tạo một môi trường xã hội, một dư luận không thuận lợi cho việc hút thuốc lá song song với việc giúp đỡ mọi người cai thuốc lá. Đây là một việc làm bức thiết nhất là ở một nước có tỉ lệ hút thuốc lá cao và đang ngày càng gia tăng ở nước ta. Chúng tôi đã tiếp xúc với nhiều người cai được thuốc lá, tác hại của thuốc lá và được cho biết rằng nếu quyết tâm bỏ thuốc thật sự thì hoàn toàn có thể bỏ thuốc được mà không cần bất kỳ một sự trợ giúp nào. Tuy nhiên ý chí cá nhân là yếu tố quyết định. Để thay lời kết luận chúng tôi xin trích dẫn những công bố mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới về tác hại của thuốc lá.

Cứ 1 dollar Mỹ do lợi nhuận thuốc lá đem lại thì 4 dollar Mỹ sẽ phải chi ra do các bệnh liên quan đến thuốc lá.

Hiện nay, thuốc lá đang giết hơn 4 triệu người mỗi năm.

Khoảng một nửa số trường hợp tử vong do thuốc lá là vì ung thư phổi và ung thư hầu họng, khoảng một nửa còn lại chủ yếu là tử vong do các bệnh lý tim mạch và hô hấp.

Vào năm 2020, hàng năm sẽ có 8,4 triệu người chết do thuốc lá, trong đó 70% nạn nhân là dân của các nước đang phát triển.

Vào năm 2030, hàng năm sẽ có khoảng 10 triệu người chết do thuốc lá, tức là nhiều hơn tổng số ca tử vong do lao, sốt rét và các bệnh lý chính của bà mẹ, trẻ em cộng lại.

Tần suất hút thuốc lá ở nam giới Châu Á và vùng Thái Bình Dương tăng từ 50% vào năm 1994 lên đến 60% vào năm 1997.

TS.BS. Lê Thị Tuyết Lan
Trường Đại học Y dược TP.HCM