Bệnh liên quan vùng miệng

Tâm sự với người hút thuốc lá


1. Tôi cảm thấy thuốc lá giúp tôi nhiều chuyện và đâu đâu tôi cũng thấy có người hút. Vậy là sao?
  • Đúng là có thể bạn cảm thấy thuốc lá cần thiết cho bạn. Có thể bạn đang có một nỗi buồn cần giải khuây, có thể bạn cần tỉnh táo để suy nghĩ, hoặc với điếu thuốc trên môi bạn cảm thấy tự tin hơn trong giao tiếp. Và đó chính là những điều mà các nhà quảng cáo thuốc lá thường nhắm vào. Lý do đơn giản là vì ngày nào bạn còn hút thuốc lá thì ngày đó các nhà sản xuất thuốc lá còn làm giàu. Mỗi năm cả thế giới tiêu thụ khoảng 90 tỉ điếu thuốc trị giá tính ra cở chừng 2 tỉ đô la, tiền lời trong đó chắc không nhỏ!

2. Tôi có nghe nói hút thuốc lá có hại cho sức khỏe, không lẽ các nhà sản xuất không biết ?

  • Ai mà không biết thuốc lá có hại. Sách vở đâu đâu cũng có nói. Nào là chất nicôtin làm tăng huyết áp, làm tim đập mạnh, nào là chất ôxít cácbon làm máu kém hấp thụ dưỡng khí, các chất kích thích khác làm đau họng, nhiễm trùng hô hấp, dãn cuống phổi, hắc ín gây ung thư v.v... Thế nhưng dưới sức ép của thói quen, của tập quán xã hội, của quảng cáo nhiều người vẫn tiếp tục hút và tất nhiên là lúc đó còn người trồng thuốc, bán thuốc. Hậu quả là gì? Chỉ tính riêng ở Pháp với số dân khoảng hơn 50 triệu, hàng năm trung bình có đến 70.000 người chết vì các chứng bệnh gây ra bởi thuốc lá, trong đó khoảng 9.000 là do ung thư phổi.

3. Vậy có cách hút thuốc nào không gây nguy hại đến sức khỏe?

  • Không, tuy có thể tránh bớt phần nào bằng cách không hít vào sâu (chuyện này thực tế ít ai làm!). Riêng thuốc lá đầu lọc có làm giảm phần nào chất nicôtin và hắc ín hút vào nhưng khi ấy thuốc trở nên "nhẹ" hơn (thường lại thơm nữa!) nên người ta dễ có khuynh hướng dùng nhiều, số lượng chất độc tính ra vẫn như trước.

4. Tôi nghĩ phải hút nhiều, hút lâu năm mới có hại, hút ít chắc không sao, phải không ?

  • Thật sự chỉ hút 1 điếu thôi cũng đã gây nên những biến đổi không tốt cho cơ thể. Các nhà khoa học cho biết hút xong một điếu là đã làm cuộc đời ngắn đi 5 phút rưỡi.

5. Nhưng tôi hút dù sao cũng chỉ có hại mình tôi, những người xung quanh đâu bị ảnh hưởng gì?

  • Hít thở không khí có khói thuốc có thể coi như là đã hút thuốc một cách thụ động. Tác hại không khác gì hút thuốc thật. Trẻ con có cha mẹ hút thuốc thường bị ho, chảy mũi, sưng cuống phổi, sưng phổi. Không chỉ vậy, mẹ mang thai mà hút thuốc sinh con thường nhẹ cân, yếu và có khi còn bị xảy thai.

6. Làm cách nào để tôi bỏ thuốc, tôi đã thử nhiều lần nhưng không được?

  • Có nhiều phương pháp với sự hỗ trợ từ ngoài như châm cứu, thôi miên, ăn sinh-gôm, kẹo ngậm có chứa nicôtin hoặc các chất thay thế... Tuy nhiên nếu bạn đã quyết tâm từ giã thuốc lá thì cũng không cần thiết phải áp dụng các cách trên mà có thể "bỏ ngang" tức là ngưng hẳn hút thuốc sau 2-3 ngày chuẩn bị tinh thần (cách bỏ từ từ trong một thời gian dài dễ thất bại). Một số điều lưu ý:

- Chọn đúng thời điểm để bỏ thuốc: hãy chọn lúc đầu óc không căng thẳng như khi bạn đi nghỉ mát, gặp chuyện vui v.v.. Không nên thực hiện lúc thi cữ, cần suy nghĩ

- Tránh mọi điều kiện có thể tạo thành sự cám dỗ: cất kỹ mọi bao thuóc, gạt tàn, hộp quẹt; báo cho người thân, bạn bè biết quyết định của bạn để họ đừng mời bạn hút hoặc tế nhị hơn không hút thuốc trước mặt bạn

- Làm giảm cơn thèm thuốc: hít vào chậm rồi thở mạnh tống hết hơi ra, làm lại nhiều lần đồng thời uống nhiều nước

- Xây dựng nề nếp sống tốt: ngủ đúng giờ, tập thể dục, thể thao, tránh dùng các chất kích thích như trà đậm, cà phê, rượu.
Bỏ thuốc là chuyện khó, có người phải đến lần thứ hai, thứ ba mới bỏ hẳn được. Cho nên nếu có lần nào đó bạn hút lại một điếu, đừng thất vọng và buông xuôi, hãy bắt đầu lại và rút kinh nghiệm lần thất bại đó. Nếu bạn có quyết tâm chắc chắn bạn sẽ thành công!

ThS BS Trương Trọng Hoàng

TP.HCM