Nha khoa trẻ em

CÁCH CHĂM SÓC RĂNG MIỆNG CHO BÀ MẸ MANG THAI VÀTRẺ EM


Tác giả : TS. TRẦN THÚY NGA (Trưởng Bộ môn Răng trẻ em - Khoa Răng Hàm Mặt, Đại học Y Dược TP.HCM)

Trẻ em là nguồn nhân lực quý giá của tương lai. Một việc rất quan trọng mà cha mẹ có thể làm cho con mình là chuẩn bị và chăm sóc cho trẻ có được sức khỏe răng miệng hoàn hảo.
Cha mẹ có thể giúp cho trẻ giữ răng chắc và khỏe bằng cách tập cho trẻ những thói quen răng miệng lành mạnh ngay từ những năm tháng đầu đời.

  • Răng sữa đóng vai trò quan trọng trong việc ăn nhai, phát âm và tạo nên vẻ thẩm mỹ cho khuôn mặt trẻ. Đồng thời, cũng đóng vai trò giữ chỗ trên xương hàm cho các răng vĩnh viễn sau này.

 

CÁCH CHĂM SÓC VÀ GIỮ GÌN VỆ SINH RĂNG MIỆNG CHO PHỤ NỮ MANG THAI

  • Chế độ dinh dưỡng cân bằng: răng của trẻ bắt đầu hình thành từ tháng thứ 3 đến tháng thứ 6 trong bụng mẹ. Bất kỳ thức ăn gì mẹ ăn vào cũng sẽ ảnh hưởng đến các răng đang trong giai đoạn phát triển này của trẻ. Điều quan trọng là bà mẹ cần ăn một lượng đầy đủ các chất dinh dưỡng, nhất là sinh tố A, C và D, chất đạm, chất khoáng (calci và phospho) để răng của trẻ được cấu tạo bình thường. Tất cả thức ăn nào tốt cho sức khỏe chung đều tốt cho răng. Một chế độ ăn cân bằng thường cung cấp một lượng các chất dinh dưỡng đầy đủ để nuôi mẹ và con. Calci là chất chủ yếu cần thiết cho sự phát triển răng, chứa nhiều trong các loại cá (cả xương), sữa và các sản phẩm từ sữa, rau cải. Bác sĩ răng hàm mặt hoặc bác sỹ y khoa sẽ viết toa, thêm các chất hỗ trợ cho bà mẹ nếu chế độ ăn không cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết.
  • Chế độ ăn ngọt: Ăn nhiều đồ ngọt, ăn nhiều lần trong ngày và chểnh mảng vệ sinh răng miệng sẽ gây sâu răng. Quan niệm cho rằng răng sẽ sâu thêm hoặc rụng đi sau mỗi lần mang thai là một quan niệm không đúng. Nhiều phụ nữ tin rằng lúc còn ở trong bụng mẹ, trẻ sẽ lấy calci từ răng mẹ để cấu tạo nên xương và răng của mình. Thực ra, chế độ ăn đầy đủ của mẹ sẽ cung cấp nhu cầu calci cho trẻ. Nếu không được cung cấp đầy đủ, trẻ sẽ lấy các chất cần thiết từ xương để cấu tạo răng, chứ không phải từ răng của mẹ. Sau khi trẻ được sinh ra, thói quen ăn ngọt của bà mẹ cũng sẽ tạo cho trẻ thói quen thích vị ngọt (do việc nêm nếm thức ăn).
  • Viêm nướu do thai nghén: Lượng kích thích tố tăng trong thời gian mang thai sẽ làm tăng quá mức phản ứng của thai phụ đối với các độc tố được tạo ra bởi các vi khuẩn trong mảng bám răng (màng vi khuẩn không thấy được, bám chặt lên bề mặt răng) làm nướu sưng đỏ, nhạy cảm và dễ chảy máu, gọi là tình trạng viêm nướu do thai nghén. Cần loại bỏ mảng bám khỏi bề mặt răng bằng cách chải răng và sử dụng chỉ nha khoa thật cẩn thận. Khám răng định kỳ đều đặn để giúp nướu của các bà mẹ được khỏe mạnh trong lúc mang thai.
  • Hậu quả của thuốc và các bệnh mắc phải: Thuốc (Tetracyclin) và các bệnh mắc phải trong lúc mang thai (sởi, giang mai...) có ảnh hưởng lên cấu tạo răng của trẻ, như làm thay đổi hình dạng và màu sắc của răng. Tetracyclin có thể làm sậm màu răng của trẻ. Tránh dùng thuốc, chỉ sử dụng khi thật cần thiết và phải có toa của bác sĩ.
  • Giữ gìn vệ sinh răng miệng: kiểm soát mảng bám răng ở cả cha và mẹ bằng cách chải răng sau mỗi bữa ăn hoặc tối thiểu hai lần một ngày, sử dụng chỉ nha khoa tối thiểu một lần một ngày. Không bắt buộc dùng thuốc súc miệng.
  • Khám và điều trị răng miệng: Thời gian tốt nhất để thai phụ đi khám và điều trị răng miệng là từ tháng thứ 4 đến tháng thứ 6. Khi khám răng miệng, cần báo cho bác sĩ răng hàm mặt biết là đang mang thai... Điều này sẽ giúp các bác sĩ đưa ra phương pháp điều trị tốt nhất cho bạn và đứa con chưa sinh ra.

CÁCH CHĂM SÓC VÀ GIỮ GÌN VỆ SINH RĂNG MIỆNG CHO TRẺ EM

  • Hệ răng sữa: Gồm 20 cái, bắt đầu hình thành và cấu tạo từ trong bào thai và tiếp tục phát triển sau khi trẻ sinh ra. Răng sữa đầu tiên mọc lúc 6 tháng tuổi, sau đó trung bình cứ 4 tháng sẽ mọc các răng tiếp theo và trẻ có đủ hệ răng sữa vào lứa tuổi 2-2,5.
  • Hiện tượng mọc răng: Một số trẻ có thể bị sốt khi mọc chiếc răng đầu tiên, và có thể vẫn tiếp tục sốt mỗi khi mọc thêm các răng khác trong số 20 răng sữa. Trẻ bị bứt rứt khó chịu, dễ kích động khi mọc răng, thường cho ngón tay hay bất kỳ vật gì có trong tay vào miệng để cắn, chảy nhiều nước miếng, khóc hoặc không chịu ăn. Nướu đỏ, có thể sưng, nếu ấn vào có cảm giác cứng và nhọn. Ban đêm không ngủ, nhiễm trùng, phát ban hoặc tiêu chảy. Nên đưa trẻ đi khám bác sĩ nhi khoa khi có các dấu hiệu này.

Làm dịu cho trẻ tạm thời bằng cách cho một vật nhẹ, mềm để trẻ cắn lên (như vòng mọc răng, núm vú cao su hay bàn chải đánh răng). Nên cho trẻ ăn các thức ăn mềm, xốp. Nếu trẻ đau nhiều, nên cho uống Paracetamol để giảm đau.

  • Nang hoặc bướu máu do mọc răng: Khi răng bắt đầu mọc, mô nướu sẽ tách ra và bị kéo lại. Đôi khi, có một ít máu chảy vào trong các mô, tạo nên một chỗ phồng lên hay bị bầm nhỏ trên nướu, gọi là nang hoặc bướu máu do mọc răng. Thường không cần điều trị vì khi răng mọc lên sẽ khỏi. Không nên cắt hay chọc các nang hoặc bướu này vì có thể gây nhiễm trùng. Đưa trẻ đi khám nếu răng không mọc trong vòng 1 tháng.
  • Mút ngón tay: Bú là phản xạ bình thường của trẻ, giúp cơ và xương hàm phát triển. Khi còn bé, trẻ thường đưa vào miệng tất cả những vật gì có trong tay, kể cả các ngón tay để mút. Thói quen mút các vật của trẻ sẽ biến mất khi trẻ đến tuổi đi học. Nếu trẻ vẫn tiếp tục mút ngón tay sau khi răng cửa vĩnh viễn mọc lên (7-8 tuổi) có thể sẽ gây ra những vấn đề về thẩm mỹ cần can thiệp chỉnh hình (như hô răng cửa trên, lùi răng cửa dưới...).
  • Núm vú giả: Núm vú giả cũng có thể gây ra những vấn đề như mút ngón tay nếu trẻ bú trong thời gian dài. Thường trẻ có khuynh hướng thích núm vú giả làm từ silicone. Nên kiểm soát núm vú giả thường xuyên và vứt bỏ nếu có dấu hiệu mòn, rạn nứt hay rách. Không nhúng các đầu núm vú vào đồ ngọt như mật ong, mứt... vì có thể dẫn đến đa sâu răng, cũng không nhúng vào đồ mặn vì có thể khiến thận trẻ phải làm việc quá sức.
  • Thức ăn cho trẻ: Thức ăn bao gồm sữa, ngũ cốc và nước trái cây là đã đủ cho trẻ, không nên thêm đường hay mật vào. Do nhu cầu năng lượng gia tăng của cơ thể, ngoài ba bữa ăn chính, có thể cho trẻ ăn thêm ba bữa phụ. Tránh không cho trẻ ăn vặt cả ngày, nhất là các thức ăn - nước uống chứa nhiều đường dễ dính vào răng (như bánh ngọt, kẹo...).
  • Sâu răng do cách nuôi trẻ (do bú bình): Sâu răng trầm trọng có thể xảy ra ở trẻ bú bình (sữa hay các chất ngọt khác) thường xuyên, nhất là trước và trong khi ngủ. Khi ngủ, sự tiết nước bọt giảm, vì vậy tác dụng chải rửa trên răng và niêm mạc miệng cũng giảm. Sữa còn đọng lại trong miệng sẽ bị các vi khuẩn làm lên men, biến đổi thành acid lactic gây sâu răng. Không để trẻ ngậm bình hay vú mẹ trong lúc ngủ. Nếu trẻ phải bú mới ngủ, nên cho trẻ bú nước lã và lấy bình ra khi trẻ đã ngủ.

Khuyến khích việc cho trẻ bú mẹ, tuy nhiên nếu tiếp tục cho trẻ bú mẹ sau 1 tuổi (nhất là trẻ ngậm vú mẹ mỗi khi đòi hỏi, để ru ngủ và trong khi ngủ) sẽ gây ra dạng sâu răng trầm trọng như bú bình.

  • Thuốc: Để tạo hương vị dễ chịu cho trẻ em, nhiều loại thuốc có chứa lượng đường cao. Nếu sử dụng thường xuyên và lâu dài các loại thuốc này (như khi trẻ bị suyễn), nhất là trước khi ngủ, có thể sẽ gây sâu răng. Khi trẻ phải dùng thuốc trong thời gian dài, nếu có thể, nên yêu cầu bác sĩ cho toa các loại thuốc không chứa đường. Làm sạch răng trẻ sau khi sử dụng thuốc và trước khi ngủ.
  • Tránh sử dụng Tetracyclin: Không cho trẻ dưới 10 tuổi sử dụng bất kỳ loại Tetracyclin nào vì sẽ làm sậm màu răng vĩnh viễn của trẻ.