Nha khoa trẻ em

NHAI GIÚP BÉ NGON MIỆNG VÀ PHÁT TRIỂN TỐT


Những năm đầu, khi bé bắt đầu tập ăn dặm ta cho bé thức ăn lỏng xay nhuyễn, nhưng bé khi bé phát triển ( mọc răng) ta cần tập bé ăn thức ăn đặc hơn, cứng hơn để bé có thể tập nhai. Bé không nhai sẽ ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa, hấp thu và giảm cảm giác ngon miệng.

Nhai :

Nhai là một hành động tự ý, nhưng được điều khiển bởi trung tâm phản xạ trong não. Nhai giúp nghiền nhỏ thức ăn, giúp men tiêu hóa dể tiếp xúc, dễ bám trên bề mặt. Nhai sẽ kích thích sự bài tiết các men tiêu hóa, kích thích sự bài tiết nước bọt ở miệng, mà trong nước bọt có men ptyalin, có tác dụng phân giải tinh bột chín thành đường maltose; Kích thích bài tiết dịch vị ở dạ dày, trong đó có men pepsin, có tác dụng tiêu hóa chất đạm (tiêu hóa các chất thịt).

Ngoài các men tiêu hóa, dịch vị còn có một thành phần rất quan trọng là acid clohydric, có vai trò tạo môi trường acid thuận lợi cho men pepsin (men tiêu đạm) hoạt động, có tác dụng sát khuẩn (tiêu diệt các vi khuẩn có trong thức ăn, thủy phân cenlulose của thực vật (chất xơ trong các hạt, rau, củ, quả). Sau khi tiêu hóa tại dạ dày, thức ăn được chuyển xuống ruột. Tại ruột, nhờ có men tiêu hóa của dịch tụy, dịch ruột và muối mật sẽ giúp tiêu hóa nốt các thành phần của thức ăn đến giai đoạn cuối cùng. Sản phẩm cuối cùng cơ thể hấp thu được là các acid amin, acid béo và đường đơn.

Ngoài ra khi nhai, răng cửa và răng hàm đều hoạt động để cắt và nghiền thức ăn. Các cơ h àm cũng cùng làm việc, giúp hai hàm răng khít lại để cắt và nghiền thức ăn có hiệu quả.

Không nhai, các cơ nhai và hàm không được tập luyện nên sẽ yếu

Tập nhai cho bé :

Ngày nay, với một chiếc máy xay sinh tố, ta có thể nghiền nhỏ thức ăn cho bé trong vài phút. Việc làm này có lợi cho bé trong năm đầu, lúc bé chưa mọc răng. Nhưng có những bà mẹ lạm dụng cối xay sinh tố để nghiền thức ăn cho bé kéo dài đến 2 -3 tuổi (do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan của mẹ), việc này không tốt, không tạo cảm giác ngon miệng cũng như ảnh hưởng tới quá trình tiêu hóa và hấp thu. Khi trẻ lớn và đã có đủ răng, cần tập dần cho trẻ ăn nhai. các bà mẹ cần chế biến thức ăn có độ lớn, độ mềm thích hợp để giúp trẻ tập ăn nhai.

Tập dần cho trẻ từ ăn, uống dạng nước lỏng (nước trái cây; nước rau, quả nghiền, nước thịt...) sang tự cắn một số thức ăn mềm như chuối, đu đủ, khoai lang, trứng luộc... Có thể

băm nhỏ, nghiền nhỏ các loại thịt, tôm, cá... Mức độ băm, nghiền từ rất nhỏ đến nhỏ vừa, rồi thái lát nhỏ khi trẻ đã lớn và có nhiều răng hơn. Khi trẻ ngoài 6 tháng tuổi, các loại rau xanh nên được thái nhỏ

Tất cả phải kiên trì, "vì sự phát triển, vì sức khỏe của bé"


Bs Nguyễn Văn Tân Minh-Bệnh viện Nhi Đồng 2