Nha khoa trẻ em

CHĂM SÓC RĂNG TRẺ EM

I. CHỨC NĂNG CỦA RĂNG:

- chức năng đầu tiên và chính yếu của răng là cắt và nghiền nát thức ăn thành từng mảnh nhỏ. Đây là giai đoạn đầu của sự tiêu hóa, hay nói cách khác, sự tiêu hóa bắt đầu bằng miệng.

- Răng cũng tham gia vào việc phát âm của trẻ. Răng mọc đầy đủ và đúng vị trí sẽ giúp trẻ phát âm tròn tiếng. Ngược lại, nếu trẻ mất răng sớm, đặc biệt là vùng răng cửa thì sự phát âm sẽ bị ảnh hưởng.

-Thẩm mỹ: Răng lành mạnh sẽ giúp trẻ có nụ cười tươi đẹp.

II. SỰ HÌNH THÀNH RĂNG:

Con người từ lúc sinh ra cho đến khi trưởng thành có 2 hệ răng:

1. Hệ răng sữa: Bắt đầu mọc ra từ khi trẻ được 6 tháng và kéo dài đến 30 tháng tuổi là kết thúc. Lúc đó trẻ sẽ có 20 răng trong miệng: 10 răng ở hàm trên và 10 răng ở hàm dưới.

2. Hệ răng vĩnh viễn: Khi trẻ được 5 tuổi rưỡi các răng sữa sẽ bắt đầu lung lay vì các mầm răng vĩnh viễn mọc đội lên làm cho các chân răng sữa tiêu ngót (hiện tượng tiêu ngót sinh lý) dẫn đến răng sữa sẽ tự rụng đi (hoặc phải nhổ) và răng vĩnh viễn mọc lên thế chỗ. Quá trình thay răng này kéo dài từ 5 tuổi rưỡi đến 12 tuổi. Riêng răng khôn (răng hàm thứ 3) sẽ mọc khoảng 16-21 tuổi.

III. CHĂM SÓC RĂNG:

Có răng tốt mới có sức khỏe tốt. Một răng sâu, nhiễm trùng có thể ảnh hưởng đến các bộ phận khác của cơ thể như dạ dày, tim, thận, khớp...Vì thế, để có một hàm răng tốt chúng ta cần phải:

1. Khám răng định kỳ: Ngay khi trẻ mọc đủ 20 răng sữa, trẻ phải được đưa đến bác sĩ Răng Hàm Mặt để được lên lịch khám định kỳ mỗi 6 tháng 1 lần hoặc khám thường xuyên hơn nếu cần. Không nên để trẻ bị sâu răng hoặc đau răng mới đi khám

2. Chế độ ăn uống:

Nên cho trẻ ăn thực phẩm chứa nhiều Calcium, Phosphorous, Vitamin A và D như: bơ, trứng, thịt sữa, rau quả...Các thức ăn, thức uống giàu Vitamin C cũng tốt cho răng và nướu. Những thức ăn ít chế biến thường là những thức ăn tốt.

Nên nhớ: Những thức ăn ngọt, dễ dính vào răng và nước uống có nhiều dinh đường (bánh kẹo, mật, đường mía...) thường không tốt cho răng và nướu.

3. Chải răng kỹ lưỡng mỗi ngày:

- Tập cho trẻ chải răng sau mỗi lần ăn. Hướng dẫn trẻ chải răng đúng cách: mặt trong, mặt ngoài và mặt nhai của răng.

- Súc miệng với nước sạch sau khi chải răng

4. Sử dụng Fluor:

Để phòng ngừa sâu răng, chúng ta có thể cho trẻ súc miệng với dung dịch 2 gr Natri fluor trong 1 lít nước, mỗi tuần súc miệng một lần trong 2 phút. Mỗi lần súc miệng mỗi em cần từ 2-7 ml nước Natri fluor 0,2%. Súc miệng thật kỹ rồi nhổ ra, không được nuốt và sau khi súc miệng không được ăn uống trong vòng 30 phút.

Ngoài súc miệng với nước Flour hàng tuần, có thể dùng kem đánh răng có fluor hoặc nước đáng răng có fluor.

BS.CK1 Lưu Đình Trứ-Bệnh viện Nhi Đồng 2