Nha khoa trẻ em

MỘT SỐ LƯU Ý KHI CHO TRẺ BÚ BÌNH

  • Hiện nay trong các gia đình có con nhỏ và trong các nhà trẻ hầu hết đều có bình sữa. Điều này cho thấy càng ngày nền công nghiệp sản xuất sữa trên thế giới càng ngày càng phát triển, cũng đi đôi với tỉ lệ các bà mẹ cho con bú bằng chính bầu sữa của mình càng ngày càng giảm đi, cho dù đa số các bà mẹ đều biết ích lợi to lớn của sữa mẹ.
  • Ngày nay nhiều bà mẹ đã chọn cách cho con bú bình là chính vì do bận rộn công việc, hoặc muốn chia sẽ việc nuôi con với các ông chồng, hoặc do có suy nghĩ lo ngại là sữa mình nóng quá hoặc quá ít sữa không đủ cho con,....Tuy nhiên các phụ huynh nên lưu ý khi trẻ bú bình như sau:

- Dễ sâu răng: trẻ bú bình thường có thói quen bú sữa no sau đó ngậm núm vú và ngủ luôn, sữa bò thường ngọt hơn sữa mẹ, bám vào men răng cả đêm sẽ dễ làm bé sâu răng.

- Dễ bị bệnh : trong sữa bò không có những kháng thể quí báu để chống đỡ bệnh tật cho trẻ như trong sữa mẹ. Nhiều công trình nghiên cứu trên thế giới cho thấy trẻ bú bình có nhiều nguy cơ tiêu chảy và nhiễm khuẩn đường hô hấp nhiều hơn trẻ bú mẹ.

- Khó tiêu hơn sữa mẹ, tuy sữa bò có rất nhiều chất đạm nhưng đa số là casein khó tiêu hơn và bé dễ bị bón.

- Chất sắt trong sữa bò tuy nhiều hơn trong sữa mẹ nhưng lại khó hấp thu hơn, trẻ dễ thiếu máu thiếu sắt.

- Sữa bò chứa nhiều axit béo no hơn sữa mẹ và ít axit linoleic, không đủ cholesterol để giúp não phát triển tốt như sữa mẹ.

- Tốn kém hơn sữa mẹ.

- Thận trọng khi cho trẻ bú bình nhựa vì chúng có chứa chất Bisphenol-A(BPA) , thuộc nhóm polycarbonat, đang được sử dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp nhựa. Ở Việt nam BPA có mặt trong nhiều loại đồ chơi trẻ em, đồ gia dụng và bình sữa trẻ em. Chất này có tác động về lâu dài như oestrogen , hooc mon sinh dục nữ, gây tổn thương não, rối lọan sinh sản và các bệnh ung thư sau này. Giáo sư sinh vật học Frederic Vom Saal, Đại học Missouri-Colombia, nhận định trên tạp chí Environmental Health Perspectives của Mỹ : "cho trẻ bú cạn bình sữa bằng nhựa cứng và trong suốt cũng giống như cho bé uống thuốc tránh thai".

Nếu như vẫn là sữa mẹ nhưng vì mẹ bận đi làm hoặc do một số bà mẹ có cấu tạo núm vú bị thụt vào khó cho con bú, có thể vắt sữa ra và cho trẻ bú bằng thìa là tốt nhất. Nếu sử dụng bình nhựa và núm vú nhựa thì phải lưu ý mua lọai bình nhựa tốt, của hãng có uy tín trên thế giới và nên thay đổi khi bình nhựa đã cũ . Tốt nhất là xài bình bằng thủy tinh nhưng cũng phải lưy ý vì dễ bể.

Nếu như có thể chọn lựa thì xin các bà mẹ đừng đắn đo gì khi quyết định nuôi đứa con yêu quí bằng dòng sữa thiêng liêng của chính mình và nếu như có khó khăn gì trong việc nuôi con bằng sữa mẹ, đừng ngần ngại đến các bác sĩ nhi để được tham vấn đầy đủ.

BS.CK2. Nguyễn Thị Thanh