Nha khoa tổng quát

Vân môi - Một dấu ấn sinh học độc đáo



So với vân tay, thì vân môi được phát hiện và nghiên cứu chậm hơn khoảng 100 năm. Đường vân trên môi của mỗi người muôn màu muôn vẻ không ai giống ai và suốt đời không thay đổi. Dựa vào đặc tính này, môn khoa học hình sự đã nghiên cứu ứng dụng vào thực tế đời sống, qua đó khám phá được nhiều vụ án hy hữu.


1.Phá án nhờ vân môi

  • Đầu thập niên 50 của thế kỷ 20, tại New York (Mỹ) đã xảy ra một vụ cưỡng dâm, được điều tra qua vân môi khá thành công. Mấy tên vô lại bắt cóc một cô gái trẻ, kéo cô lên chiếc xe hơi để cưỡng hiếp. Trong lúc cô gái vùng vẫy cố thoát thân, bọn côn đồ đã để lại vết môi của chúng trên thành xe. Khi cô gái đến sở cảnh sát trình báo, các điều tra viên đã nhanh chóng tới khám nghiệm hiện trường. Căn cứ vào dấu vân môi ở thành xe ô tô và dấu môi của các đối tượng nghi vấn, cảnh sát đã tìm ra bọn tội phạm để bắt giữ và chúng đã thú nhận tội lỗi.
  • Ở Việt Nam cũng có trường hợp điều tra tội phạm qua dấu vân môi. Xin tóm lược: Một cán bộ khoa học tên là Ấn đến quỹ UNDP nhận 9.600 đô-la tạm ứng cho đoàn 3 người đi hội thảo khoa học ở Xơun. Nhận tiền xong anh bỏ vào cặp da, 3 người ghé vào quán cà phê gần nhà. Trong khi uống các đồng nghiệp cử anh Ấn làm trưởng đoàn và giữ giúp toàn bộ số tiền. Trước khi đi ngủ, anh Ấn cất cặp tiền ở hốc tủ. Vậy mà sáng dậy mở cặp ra thì toàn bộ số tiền đã không cánh mà bay.
  • Qua trình báo, cảnh sát điều tra đến ngay hiện trường. Nhà anh Ấn là căn hộ tập thể 28m2 có 2 phòng, tầng trệt, chỉ có một lối ra vào. Không có hiện tượng cậy phá. Cửa khóa bên trong bằng ổ khóa Trung Quốc, không thấy có vết xước. Không thấy vết tích thủ phạm để lại. Một cán bộ điều tra đề nghị vợ chồng anh Ấn sắp đặt lại hiện trường tất cả như trước lúc đi ngủ. Trong ánh sáng mờ ảo màu hồng của ngọn đèn ngủ, bức ảnh gia đình anh Ấn phóng to lồng vào khung kính, thấy phần mặt ảnh anh Ấn có một chỗ bị mờ giống vết môi. Vợ anh Ấn khẳng định mình chưa bao giờ hôn lên ảnh. Thế là khung ảnh được chuyển về cơ quan điều tra.
  • Bằng biện pháp nghiệp vụ, các trinh sát đã mang về đủ những mẫu vân môi cần thiết cho việc tiến hành so sánh. Kết quả giám định cho thấy: vân môi trên khung ảnh chính là của nữ chủ quán cà phê. Thị bị bắt. Trước bằng chứng khoa học không thể chối cãi thị phải nhận tội và khai rõ: Thị nghe lỏm câu chuyện của 3 vị khách, biết anh Ấn đang giữ một khoản tiền lớn. Khi móc túi áo trả tiền cà phê, anh Ấn đã vô ý đánh rơi chùm chìa khóa. Thị nhặt được, biết nhà, đêm đó chờ cho họ yên giấc, thị liền mở khóa cửa lẻn vào lấy tiền và đặt trả chùm chìa khóa trên bàn. Lúc trở ra, thấy mọi việc quá êm và trong bối cảnh "gợi tình" thì hôn luôn lên ảnh nhà khoa học điển trai.

2.Cấu tạo của môi

  • Các môi trên và dưới gặp nhau tại các mép môi, còn hai đầu của khe miệng (khe giữa các môi) gọi là góc miệng. Rãnh dọc ở giữa mặt da của môi trên gọi là "nhân trung".
  • Môi không bằng phẳng mà có nhiều vết nhăn lồi, lõm, nông, sâu mà người ta gọi là vân môi. Nhiều nhà khoa học từ lâu đã lưu ý nghiên cứu vân môi. Đặc biệt hai nhà khoa học Nhật Bản tên là Suzuki và Tsuchihashi từ năm 1972, khi nghiên cứu quan sát môi người, các ông nhận thấy những nếp nhăn của vân môi rất tốt, cấu trúc có sự phân biệt lớn. Các nếp nhăn môi có tính ổn định chắc chắn và đặc trưng cho mỗi người. Không thể có 2 người có bề mặt môi giống nhau, thậm chí cả anh, chị em sinh đôi. Mẫu vân môi không thay đổi theo tuổi tác, mà tồn tại như vậy trong suốt cuộc đời. Cảnh sát nước Nhật và nhiều nước từ lâu đã chính thức áp dụng mẫu vân môi vào điều tra hình sự và cho thấy kết quả không thua kém gì điều tra qua mẫu vân tay.

Vũ Hướng Văn