Bài viết

30 tuổi có đi chích ngừa Rubella được không?


Cậchich-ngua-rubellau hỏi : Nhà tôi ở Củ Chi (nơi có nhiều người mắc Rubella), hiện tôi rất lo lắng vì sợ lây bệnh. Tôi đã 30 tuổi rồi có đi chích ngừa được không ? Nếu tôi có mang mà bị nhiễm bệnh thì phải xử trí ra sao? Nếu bác sĩ là "y tế cơ quan", thì sẽ nói sao khi trong cơ quan có người bệnh Rubella và có người có mang ?

Trả lời :

  • Thuốc chủng ngừa bệnh Rubella(dạng sống) đã được sử dụng trên thế giới lần đầu tiên từ 1969 (Mỹ).Từ đó đến nay, nó được không ngừng cải tiến qua nhiều "thế hệ", và thường kết hợp trong một mũi thuốc ngừa cho ba bệnh: Sởi-Quai bị-Rubella (MMR/ ROR)...Hai trong số ba bệnh đó (Quai bị, Rubella) thuộc nhóm những bệnh gây hại cho con trước sinh, nguy cơ cao nhất ở 20 tuần đầu tiên của thai kỳ, đặc biệt trong giai đoạn phôi đang tạo lập các cơ quan, bộ phận(12 tuần đầu thai kỳ).
  • Các bệnh thường gặp khi bị "sơ nhiễm"(tức mắc bệnh lần đầu mà trước đó chưa hề có miễn dịch do nhiễm bệnh hoặc chích ngừa từ trước) theo thứ tự là: chậm phát triển bào thai ("sinh yếu"), đục thủy tinh thể bẩm sinh (cườm khô), điếc, tật tim bẩm sinh (thông liên thất, thông liên nhỉ..), chứng đầu nhỏ... Lúc đầu, thuốc chủng ngừa chỉ được dùng chích cho các bé gái để ngừa bệnh "về sau".Nhưng sau đó, nó được áp dụng rộng rãi cho các cháu, cả trai lẫn gái, từ 12 tháng tuổi, nhằm mục đích hạn chế dịch bệnh, bảo vệ cho cộng đồng.

Bệnh Rubella ở trẻ em thường diễn ra rất nhẹ nhàng (sốt nhẹ, nổi ban, nổi hạch..), rất hiếm khi biến chứng (viêm não, viêm khớp, ban xuất huyết giảm tiểu cầu..) nên việc chích ngừa chủ yếu là "vì lợi ích mai sau", và "vì lợi ích cộng đồng".Ở nước ta, mũi thuốc kết hợp Quai bị-Sởi-Rubella chưa có điều kiện đưa vào chương trình tiêm chủng quốc gia (miễn phí), nên đề cập đến việc chích ngừa cho phụ nữ trước tuổi sinh đẻ có thể hơi khó thuyết phục.Theo tôi, các bác sĩ gia đình, bác sĩ sản khoa và bác sĩ nhi khoa ở các cơ sở công và dân lập nên khuyến khích việc chích ngừa này, vì thế hệ các "người lớn" hiện nay hầu như chưa hề được chích ngừa Quai bị và Rubella lúc bé. Bảo hiểm y tế nên chăng chi trả cho việc chích tập thể các nhân viên nữ? Ở một số nước đã phát triển (như Pháp), trước khi lập gia đình, bắt buộc phải khám và có giấy chứng nhận sức khỏe, trong đó, ngoài một số xét nghiệm bệnh truyền nhiễm, còn có việc thử kháng thể với bệnh Rubella, và việc chích ngừa là bắt buộc nếu chưa có kháng thể bảo vệ.

Khi chích ngừa, cần làm xét nghiệm HCG hoặc "quick test" vì vacxin sống không được chích cho phụ nữ đang mang thai. Sau khi chích ngừa 3 tháng, việc mang thai mới an toàn. Ngoài ra, thuốc cũng không được chủng cho người có tiền căn dị ứng với trứng và với thuốc Néomycine.

Đối với sản phụ có tiếp xúc với người bệnh (như trường hợp một xí nghiệp ở Củ Chi), cần thử máu kháng thể Ig G hai lần cách nhau 3 tháng để xem sự tăng kháng thể khi bị sơ nhiễm. Nếu không xét nghiệm được hai lần, ít nhất phải thử kháng thể Ig M. Nếu cả hai lần đều âm tính thì có thể yên tâm. Trường hợp "dương tính", bắt buộc phải tiến hành theo dõi ảnh hưởng của sự nhiễm trên phát triển của thai nhi (làm siêu âm...). Biện pháp cho các công nhân đang có mang nghỉ ở nhà đang áp dụng hiện nay là hợp lý, nhưng nhất thiết phải đi kèm các xét nghiệm như đã nêu, vì bệnh có thể đã lây nhưng chưa "phát ra" (thời kỳ ủ bệnh : 21 ngày), hoặc không "phát ra" dưới dạng nổi ban, mà ảnh hưởng trực tiếp trên phôi thai. Ngoài ra, trước tiên các công nhân, học sinh bị mắc bệnh phải được nghỉ ở nhà cho tới
khi hết triệu chứng phát ban ít nhất 1 tuần.

Các sản phụ sau khi sinh mà chưa có miễn dịch cần được chích ngừa ngay. Kháng thể của mẹ có được từ chích ngừa sẽ được truyền qua sữa mẹ để bảo vệ cho bé.

Việc chích ngừa cho tập thể, hoặc tối thiểu là giới nữ cũng cần được cơ quan y tế cân nhắc. Giá tiền một mũi thuốc (khoảng 90.000đ) không mắc hơn nhiều so với xét nghiệm, và ngay trong lúc có dịch, dù đã bị "âm thầm" nhiễm bệnh, mũi thuốc chích ngừa hoàn toàn không gây hại và có tính miễn dịch vững chắc, đầy đủ (cho cả 3 bệnh) hơn sự miễn dịch tự nhiên.

 Bác sĩ NGUYỄN CÔNG VIÊN - Trưởng khoa Khám Trẻ em Lành mạnh-BVNĐ2